09:02 05/08/2019

Hỗ trợ tối đa cho dân sau bão

Đoàn Trần

Thủ tướng yêu cầu khắc phục nhanh hậu quả, triển khai 8 nhiệm vụ cấp bách để ứng phó mưa lũ sau bão số 3

Cây lớn đổ chắn ngang đường Tô Hiến Thành trong bão số 3.
Cây lớn đổ chắn ngang đường Tô Hiến Thành trong bão số 3.

Thủ tướng gửi công điện tới 17 địa phương, 10 bộ và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu khắc phục nhanh hậu quả, triển khai 8 nhiệm vụ cấp bách để ứng phó mưa lũ sau bão số 3.

Bão số 3 đổ bộ trong hai ngày gây mưa to đến rất to tại nhiều địa phương Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại các huyện Quan Sơn và Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá. Một số địa phương miền núi phía Bắc đã xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa và các địa phương tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, khu khai thác khoáng sản, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời. 

Tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích. Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị chết, mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương.Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói. Kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở, ngập sâu. 

Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau lũ. Chủ động khắc phục hậu quả, tập trung khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ công tác cứu trợ và sinh hoạt cho người dân.

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 4, các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương, nhất là tại tỉnh Thanh Hóa. 

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương khắc phục các điểm bị sạt lở, ách tắc trên các trục giao thông chính nhằm đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt để phục vụ công tác cứu trợ.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, kịp thời sửa chữa các hồ đập thủy lợi, thủy điện, các công trình bị sự cố do mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn, sớm khôi phục sản xuất và chủ động ứng phó các đợt mưa lũ tiếp theo...

Mùa bão năm nay đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Đây là năm thứ 5 trong 20 năm qua, đến hết tháng 6 vẫn chưa xuất hiện cơn bão nào trên Biển Đông. Song, bão càng đến muộn so với quy luật thì khiến việc đón bão càng trở nên căng thẳng. 

Theo số liệu thống kê trong vòng 20 năm qua, nhiều quy luật của bão đổ bộ vào Việt Nam đã bị phá vỡ với diễn biến đáng ngại là tổng số bão, số cơn bão cấp 12 trở lên và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta đều tăng lên. 

Nếu như giai đoạn 1999-2008 tổng số cơn bão cấp 12 trở lên là 78, thì đến giai đoạn 2009-2018 là 93; giai đoạn 1999-2008 số cơn bão mạnh trên cấp 12 là 32, thì giai đoạn 2009-2018 là 36 và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta giai đoạn 1999-2008 là 28 đến giai đoạn 2009-2018 là 44. Dự báo năm nay có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông từ tháng 7 đến 12/2019.

Hơn một tháng trước, ngay trước thềm mùa mưa bão, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 

Với sự quan tâm đặc biệt và trực tiếp chỉ đạo của Thủ tướng, mặc dù tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai có diễn biến bất thường, cực đoan hơn cả về cường độ, thời gian, địa điểm xuất hiện và trái quy luật, nhưng thiệt hại về người và tài sản đã ngày càng giảm. 

Năm 2018 có 224 người chết và mất tích (giảm 30% so với năm 2017 với 386 người chết và mất tích), thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỷ đồng (giảm 67% so với năm 2017 là 60.000 tỷ đồng).