12:35 07/10/2019

Hơn 100.000 người đi xuất khẩu lao động trong 9 tháng

Nhật Dương

Trong 9 tháng năm 2019, đã có 104.317 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 2,15% so với cùng kỳ năm 2018

Các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống vẫn tiếp tục thu hút nhiều lao động Việt Nam đi làm việc. Ảnh minh họa.
Các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống vẫn tiếp tục thu hút nhiều lao động Việt Nam đi làm việc. Ảnh minh họa.

Đây là thông tin vừa được Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) cho biết về tổng quan thị trường xuất khẩu lao động trong 9 tháng năm 2019. Chỉ tính riêng trong tháng 9, các doanh nghiệp đã cung ứng được 12.656 lao động, tăng 8,45% so với cùng kỳ.

Thị trường truyền thống tiếp tục tăng trưởng ổn định

Tại thị trường khu vực Đông Bắc Á, số lao động đi làm việc trong 9 tháng năm 2019 là 100.869 người, chiếm tỷ trọng 96,69% tổng số đưa đi, tăng 4,17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lao động đi làm việc tại Đài Loan là 41.174 người. Quy mô lao động đi làm việc tại nước này chiếm tỷ trọng 40,82% số lao động đưa đi trong khu vực và 39,47% so với tổng số lao động đưa đi trong 9 tháng năm 2019. Bình quân thị trường này mỗi tháng tiếp nhận 4.574 người.

Với thị trường Nhật Bản, 9 tháng năm 2019 số lao động đưa đi cũng tăng 21,87% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi tháng tiếp nhận 5.956 người. Một số thị trường khác trong khu vực là Hàn Quốc, Macao cũng có sự tăng trưởng tốt với mức tăng lần lượt là 14,36%, 73,26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với khu vực Đông Nam Á, 9 tháng đưa được 496 lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường này, giảm 46,66% so với cùng kỳ. Trong đó, lao động sang làm việc tại Malaysia vẫn có quy mô tiếp nhận lớn nhất, chiếm 61,29% số lao động đưa đi trong khu vực nhưng lại giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân mỗi tháng thị trường này tiếp nhận 33 lao động.

Tại khu vực Trung Đông và châu Phi, số lao động tiếp nhận chỉ chiếm 1,03% tổng số đưa đi, giảm mạnh 51,40% so với số lao động đưa đi so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, ngoại trừ Ả Rập Xê Út tiếp nhận 817 người thì các doanh nghiệp cung ứng lao động cho các thị trường có số lượng khiêm tốn như: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chỉ 77 người, Quatar 18 người, Barain 57 người, O- man 20 người và Co- oét 89 người.

Các khu vực còn lại hầu hết đều có số lượng tiếp nhận lao động còn khiêm tốn khác là châu Phi chiếm 0,28%, châu Âu chiếm 1,46% tổng số lao động đưa đi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, mặc dù số lượng tiếp nhận lao động tại thị trường châu Âu chưa lớn, song nhìn chung hiện nay số lao động này đều có việc làm ổn định và mức thu nhập tốt.

Theo VAMAS, 9 tháng năm 2019 chỉ có 4 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên gồm: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Rumania. Trong đó, 2 thị trường Đài Loan và Nhật Bản chiếm 91% tổng số lao động đưa đi các thị trường.

Đẩy mạnh mở rộng thị trường có thu nhập cao

Đánh giá về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, một số thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động là сáс quốc gia Đông Bắc Á như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong khi đó, thị trường Trung Đông, Malaysia có sự giảm sút do yếu tố an ninh và điều kiện làm việc.

Trong số này, thị trường Nhật Bản hiện đứng đầu danh sách, trở thành điểm đến hấp dẫn của lao động Việt Nam không chỉ bởi tiền lương khá, mà còn là thị trường phát triển khoa học-kỹ thuật và công nghệ cùng kỹ năng lao động cao.

Dự báo về xu hướng xuất khẩu lao động những tháng cuối năm 2019, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Đài Loan và Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, tiếp nhận lao động Việt Nam với quy mô lớn nhất. Trong đó, Nhật Bản đang là thị trường tiềm năng nhất hiện nay.

Hiện, một số thị trường khác như châu Âu, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đang được mở rộng. Các quốc gia phát triển có thu nhập cao như Úc, Mỹ, Canada, Phần Lan và Ý cũng là mục tiêu xuất khẩu lao động Việt Nam hướng đến trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận định, mặc dù hiện nay các nước vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông Việt Nam sang làm các công việc đơn giản, nhưng xu hướng tới đây sẽ đẩy mạnh tiếp nhận lao động có tay nghề hơn.

Do đó, để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các thị trường, trong định hướng sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sắp tới, sẽ bổ sung thêm quy định doanh nghiệp xuất khẩu lao động có thể hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động bổ túc, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề và ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của từng thị trường lao động.