12:35 11/01/2023

Hợp tác xã không chỉ cần cơ chế, chính sách để tồn tại và phát triển

Quang Thanh

Đây là kiến nghị của ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op tại phiên thảo luận với chủ đề "Tối ưu nguồn lực, sẵn sàng vượt qua thách thức" trong khuôn khổ Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 15 sáng ngày 11/1...

Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op - Ảnh: Xuân Khoa
Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op - Ảnh: Xuân Khoa

Tham gia phiên thảo luận, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ "bí quyết thành công" của Saigon Co.op trong giai đoạn đại dịch cũng như những giải pháp thời gian tới. 

Ông chia sẻ, để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, từ năm 2018-2019, Saigon Co.op đã tìm tới một trong những công ty tư vấn hàng đầu để xây dựng chiến lược 2020-2025 tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chiến lược, Covid-19 ập đến trong năm 2020-2021, đã làm thay đổi cách nhìn về kế hoạch chiến lược và cách xây dựng chiến lược của doanh nghiệp. 

"Trong giai đoạn vừa rồi, để thích ứng với tình hình mới, chúng tôi dù đã có chiến lược phát triển trung dài hạn, nhưng vẫn có sự linh hoạt trong từng giai đoạn. Hiện nay, chúng tôi không đặt cược vào viễn cảnh của nền kinh tế sẽ như thế này hay thế khác, chúng tôi không đặt cược rằng ở điểm rơi sẽ ở trong quý này hay quý kia, mà tập trung vào hành xử của mình với tình hình. Với nỗ lực cao nhất, chúng tôi muốn hạn chế rủi ro ở mức cao nhất", ông Sơn cho biết.

Lãnh đạo Saigon Co.op chia sẻ 4 giải pháp quan trọng đã giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Thứ nhất là tăng cường và củng cố các vấn đề mang tính nội lực.

"Trước tiên, vốn quý nhất của Saigon Co.op là nguồn lực người lao động. Chúng tôi đã có nhiều chính sách áp dụng với người lao động để duy trì lực lượng lao động ổn định qua suốt mùa dịch", ông Sơn cho biết.

Sắp tới, Saigon Co.op có kế hoạch tập trung tái đào tạo, luân chuyển và đề bạt với các nguồn tại chỗ cũng như các nguồn mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng xây dựng chương trình trao đổi lao động, đưa lao động Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ ra học tập và làm việc ngắn hạn ở thị trường nước ngoài, nhằm nâng cao nâng lực và kiến thức.

Toàn cảnh phiên thảo luận - Ảnh: Xuân Khoa
Toàn cảnh phiên thảo luận - Ảnh: Xuân Khoa

"Việc này cũng giải quyết được vấn đề một vấn đề là, trong tình cảnh kinh tế khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động thì số lao động này được  xử lý như thế nào. Theo đó, chúng tôi mở thêm hoạt động mới này để đưa người lao động ra đào tạo ở nước ngoài. Cùng với đó, chúng tôi cũng tập trungvào các trung tâm huấn luyện để đào tạo nghiệp vụ", ông Sơn cho biết.

Thứ hai là tập trung vào các giải pháp công nghệ, trong đó có số hóa và chuyển đổi số.

Theo ông Sơn, cách làm số hóa và chuyển đổi số của SGC là không làm một cách ào ạt vì nguồn lực hạn chế, mà xây dựng lộ trình số hóa và chuyển đổi số trong 5 năm.

"Những điều thuộc về cốt lõi thì chúng tôi làm theo lộ trình, còn các vấn đề về quản lý và vận hành thì chúng tôi theo triết lý là thay đổi thường xuyên để tạo ra các thay đổi lớn, trở thành một văn hóa khuyến khích sáng tạo đổi mới", đại diện Saigon Co.op chia sẻ.

Thứ ba là kiếm các cơ hội mới, mở rộng các quan điểm chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, biệt là với các hợp tác xã, cụ thể là tiến hành đa dạng hóa các nguồn sản phẩm mà sản xuất từ các đối tác hợp tác xã.

Thứ tư là đóng góp vào công cuộc xây dựng pháp luật và thể chế. 

"Saigon Co.op là đơn vị kinh tế tập thể hoạt động theo luật Hợp tác xã. Thay mặt cộng đồng hợp tác xã, chúng tôi kiến nghị xây dựng Luật Hợp tác xã để không chỉ tạo điều kiện để doanh nghiệp vừa và nhỏ tồn tại và phát triển, mà còn có cơ chế để hợp tác xã trở thành 'người lớn', đủ sức cạnh tranh", ông Sơn phát biểu.

Đại diện Saigon Co.op cũng bày tỏ mong muốn các chuyên gia, các lãnh đạo bộ ngành… lắng nghe doanh nghiệp và xây dựng cơ chế chính sách dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để gúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn thời gian tới.