13:23 17/08/2019

Indonesia có thể dời thủ đô khỏi Jakarta trong 5 năm

Ngọc Trang

Ước tính kế hoạch dời đô của Indonesia sẽ tiêu tốn khoảng 466.000 tỷ Rupiah (32,5 tỷ USD)

Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, phát biểu tại nghị viện ngày 16/8 - Ảnh: Nikkei.
Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, phát biểu tại nghị viện ngày 16/8 - Ảnh: Nikkei.

Ngày 16/8, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, chính thức trình lên nghị viện nước này kế hoạch dời thủ đô từ Jakarta tới Kalimantan, còn gọi là Borneo - hòn đảo lớn thứ ba thế giới và lớn nhất tại châu Á, theo tin từ tờ Nikkei. 

"Tôi mong muốn được sự cho phép và ủng hộ của các thành viên nghị viện và toàn thể nhân dân Indonesia, để dời thủ đô của đất nước đến đảo Kalimantan", ông Widodo nói trong bài phát biểu tại nghị viện ngày 16/8. "Thủ đô không chỉ là biểu tượng của quốc gia mà còn là đại diện cho sự phát triển của đất nước. Việc dời đô này là vì sự phát triển và công bằng kinh tế". 

Trước đó, ông Widodo từng nói rằng Central Kalimantan, East Kalimantan và South Kalimantan - ba tỉnh trên đảo Borneo - là những nơi có khả năng được chọn để trở thành thủ đô mới. 

Bukit Soeharto, khu vực kém phát triển tại East Kalimantan, được cho là một trong những ứng viên hàng đầu bởi nằm ở tâm điểm của con đường chính nối hai thành phố lớn nhất tỉnh - Balikpapan và Samarinda. Nơi này cách Jakartar hai giờ bay. Trong khi đó, Palangkaraya, thủ phủ của tỉnh Central Kalimantan, cũng là một lựa chọn tiềm năng. 

Indonesia có thể dời thủ đô khỏi Jakarta trong 5 năm - Ảnh 1.

Tổng thống Joko Widodo chính thức trình kế hoạch dời thủ đô Jakarta tới đảo Borneo lên nghị viện - Ảnh: Nikkei.

Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia ước tính kế hoạch dời thủ đô này sẽ tiêu tốn khoảng 466.000 tỷ Rupiah (32,5 tỷ USD). Gần 10% con số này dự kiến được lấy từ ngân sách quốc gia, số còn lại sẽ được huy động theo hình thức hợp tác công - tư. 

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia, Bambang Brodjonegoro, nói rằng việc dời thủ đô có thể chỉ mất 5 năm để hoàn tất. Các cơ sở hạ tầng cơ bản sẽ được xây dựng trong năm 2020 và 2021, còn việc xây dựng các cơ quan chính phủ và cơ sở hạ tầng hỗ trợ sẽ được tiến hành từ năm 2022 đến 2024 - năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Widodo. 

Kế hoạch di dời thủ đô Jakarta được khởi xướng bởi tổng thống đầu tiên của Indonesia, Sukarno, vào những năm đầu độc lập và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. 

Những người ủng hộ đồng cảm với quan ngại của chính phủ về tình trạng tắc nghẽn giao thông "kinh niên", ô nhiễm không khí, sự sụt lún và giá bất động sản đắt đỏ tại Jakarta. Nhiều người ủng hộ kế hoạch phát triển kinh tế tại các khu vực kém phát triển ở phía đông đất nước của ông Widodo. 

Trong khi đó, những người phản đối lại nghi hoặc về tính khả thi của dự án có quy mô lớn như vậy và quan ngại về tình trạng tham nhũng cũng như nợ công gia tăng. 

Trong ngày 16/8, Tổng thống Widodo cũng công bố kế hoạch ngân sách quốc gia năm 2020, trong đó chi tiêu chính phủ sẽ tăng ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm tới, cho thấy chính phủ nước này đang thận trọng trong bối cảnh đối mặt với những bất ổn toàn cầu đến từ các yếu tố như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. 

"Chúng ta đang phải đối mặt với những biến động kinh tế toàn cầu cũng như sự dịch chuyển về địa chính trị - với các cuộc khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng tới một số nơi trên thế giới", Tổng thống Indonesia nói trong bài phát biểu đầu tiên trước nghị viện kể từ khi tái đắc cử hồi tháng 4. 

Chính phủ Indonesia duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 5,3% cho năm 2020, tăng nhẹ so với dự báo 5,2% của năm nay. Nước này đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ mức dự báo 1,93% của năm nay xuống còn 1,76% vào năm 2020 với kế hoạch tăng thu thuế từ các hãng thương mại điện tử và công ty công nghệ, nằm trong kế hoạch thúc đẩy nguồn thu từ thuế của nước này. 

Tại Đông Nam Á, nhiều nước cũng đang muốn di dời thủ đô hoặc giảm tải áp lực tại thủ đô trước những thách thức như quá tải dân số, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm, giá cả đắt đỏ... Năm 2015, Philippines đã phê duyệt kế hoạch xây dựng thành phố thông minh New Clark và dự kiến dời các cơ quan cấp bộ, công ty quốc doanh và đại sứ quán về đây vào năm 2030. 

Kế hoạch này, có chi phí ước tính khoảng 14 tỷ USD, nhằm giảm tải  cho thủ đô Manila. Ở Thái Lan, nhiều chính trị gia cũng từng đề cập tới việc chọn một vùng đất cao hơn để trở thành thủ đô mới thay cho Bangkok từ năm 2011 nhưng chưa có kế hoạch chính thức cho việc này.