10:32 30/10/2008

“Khối ngoại bán ròng nhưng rút vốn ít”

Lê Hường

Quan điểm của đại diện Ủy ban Chứng khoán về hoạt động bán ròng của khối ngoại trong tháng 10

"Mặc dù có hiện tượng bán ròng trên thị trường nhưng số lượng này cũng chưa lớn, khoảng dưới 1 tỷ USD".
"Mặc dù có hiện tượng bán ròng trên thị trường nhưng số lượng này cũng chưa lớn, khoảng dưới 1 tỷ USD".
Quan điểm của TS. Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán) về hoạt động bán ròng của khối ngoại trong tháng 10/2008 và hướng điều hành thị trường của Ủy ban.

Thị trường vốn thế giới đang có những biến cố rất lớn, phản ứng mua bán theo thị trường quốc tế của các nhà đầu tư trong nước trong thời gian gần đây có hợp lý không, thưa ông?
 
Trong thời gian gần đây, tất cả động thái, diễn biến trên thị trường Mỹ, Âu, Á, đã phản ánh tức thì lên thị trường Việt Nam. Theo tôi, các phản ứng của nhà đầu tư Việt Nam ở một chừng mực nào đó là hơi thái quá.

Bởi vì, mặc dù Việt Nam đã hội nhập và nền kinh tế thế giới, nhưng mức độ hội nhập sâu rộng, độ mở, liên thông giữa các thị trường quốc tế với thị trường Việt Nam không nhiều như các thị trường châu Á khác.

Trong khi đó, phản ứng của nhà đầu tư Việt Nam dựa hoàn toàn vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản là chưa thực sự hợp lý.

Nhiều nhà đầu tư đang có tâm trạng hoang mang trước tình trạng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài, đánh giá của ông về tình trạng này?

Trong hai tuần gần đây, trên thị trường Việt Nam có dấu hiệu bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đối với trái phiếu và một phần với cổ phiếu có thanh khoản cao. Điều này tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

Trong chừng mực nào đó, họ cho rằng có biểu hiện của nhà đầu tư nước ngoài rút vốn trên thị trường.

Số liệu thống kê của chúng tôi trong tháng 10 cho thấy, số lượng bán ròng đối với trái phiếu khoảng trên 12 ngàn tỷ đồng và bán ròng với cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu tư cho đến thời điểm hiện nay là khoảng 1.500 tỷ đồng.

Mặc dù có hiện tượng bán ròng trên thị trường nhưng số lượng này cũng chưa lớn, khoảng dưới 1 tỷ USD. Trong điều kiện dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tương đối khá, việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài ở mức độ này chưa tác động mạnh đến thị trường trong nước.

Đặc biệt, giá trị danh mục đầu tư hiện thời của nhà đầu tư nước ngoài là khoảng trên 6 tỷ USD, do đó, việc bán ròng với trái phiếu và cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cũng là điểm nhà đầu tư cần cân nhắc thêm. Thêm vào đó, trong tháng 10, số lượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài được rút khỏi Việt Nam là không nhiều lắm, trên 250 triệu USD.

Ngoài ra, khi thị trường tài chính thế giới khủng hoảng, tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài sẽ là co cụm và kiểm soát các khoản đầu tư của mình ở nước ngoài. Cách xử lý tốt nhất được họ lựa chọn là đưa vốn, kiểm soát bằng cách sẽ đẩy mạnh bán ra các tài sản có tính thanh khoản cao và các tài sản có tính ổn định như trái phiếu, một số công cụ như cổ phiếu của doanh nghiệp lớn trên thị trường.

Trong khi đó, tâm lý đầu tư dài hạn vẫn có trên thị trường. Trong điều kiện thị trường xuống thấp, đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư dài hạn tái cấu trúc danh mục đầu tư.

Theo đánh giá của các tổ chức đầu tư, xét về đầu tư dài hạn đây là thời điểm giá cổ phiếu ở các thị trường quốc tế và Việt Nam là khá hợp lý để mua vào.

Phần lớn các quỹ đầu tư ở Việt Nam là quỹ đóng nên việc kết thúc quỹ, rút vốn khỏi Việt Nam không nhanh. Đặc biệt, trong một thị trường thanh khoản không tốt, nguồn cung ngoại tệ, trạng thái ngoại hối để chuyển nhanh sang ngoại tệ đưa ra nước ngoài cũng không thuận lợi.

Việc nhà đầu tư chuyển vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn do quyết định của nhà đầu tư. Bên cạnh các chính sách kinh tế hợp lý và ổn định của Chính phủ, chúng ta cần đưa thông tin đầy đủ và chính xác đối với các diễn biến của thị trường về kinh tế vĩ mô, hiện trạng hoạt động của khu vực doanh nghiệp niêm yết trên thị trường để nhà đầu tư yên tâm trong các quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Đợt suy giảm lần này của thị trường chứng khoán Việt Nam không cùng nguyên nhân với những đợt trước, cơ quan chức năng sẽ có ứng xử như thế nào, thưa ông?
 
Đợt suy giảm của thị trường chứng khoán lần này chủ yếu do tác động từ cuộc khủng hoảng của thị trường toàn cầu, khác với đợt suy giảm đầu năm và giữa tháng 5. Vì vậy, giải pháp hỗ trợ thị trường cũng phải khác.

Trong thẩm quyền của cơ quan quản lý, Ủy ban Chứng khoán đã báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ để báo cáo Quốc hội một số nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường. Trong đó bao gồm, xem xét tạm giãn Thuế thu nhập cá nhân đối với nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2009 để hỗ trợ thị trường, kiểm soát các định chế tài chính, ngân hàng, công ty chứng khoán, để đảm bảo tính lành mạnh của khu vực này.

Các giải pháp kỹ thuật đã áp dụng trong những đợt suy giảm trước đây theo tôi chưa nên áp dụng trong thời điểm này, vì mỗi giải pháp có mặt ưu và nhược. Thu hẹp biên độ có thể làm chậm sự giảm giá nhưng lại thu hẹp tính thanh khoản, đây là điều mà thị trường chứng khoán và đặc biệt là các nhà đầu tư lớn không muốn.

Tất nhiên, không loại trừ trong trường hợp thị trường rơi vao tình trạng nghiêm trọng, chúng ta cũng có thể xem xét và tìm cách ứng xử phù hợp. Ủy ban Chứng khoán đã xây dựng đề án kiểm soát rủi ro và chống khủng hoảng.

Nếu được Chính phủ phê duyệt, chúng ta sẽ có các cấp độ ứng xử khác nhau.