07:53 27/09/2012

Không cần “trói” điều hành kinh tế

Đoàn Trần

“Các chỉ tiêu như CPI... không cần xem đó là những trói buộc trong điều hành nền kinh tế”

TS. Trần Du Lịch: "Nhìn chung bức tranh kinh tế năm 2013 không quá ảm đạm, nhưng cũng không ấm lên một cách rõ nét".
TS. Trần Du Lịch: "Nhìn chung bức tranh kinh tế năm 2013 không quá ảm đạm, nhưng cũng không ấm lên một cách rõ nét".
“Các chỉ tiêu như chỉ số giá tiêu dùng (CPI)... chỉ cần mang tính chất dự báo để định hướng, không cần xem đó là những trói buộc trong điều hành nền kinh tế của Nhà nước”, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định.

Với diễn biến CPI tháng 9 tăng 2,2%, theo dự báo của ông thì đến cuối năm 2012, CPI của chúng ta sẽ diễn biến như thế nào?

Vào thời điểm cuối tháng 8/2012, khi CPI có mức tăng 2,86%, chúng tôi cho rằng trong 4 tháng còn lại, nếu CPI tăng khoảng 1%/tháng thì không nên lo lắng bởi nó nằm trong kế hoạch dự báo. Tuy nhiên, mức tăng CPI tháng 9 đã vượt quá dự báo của chúng tôi và lên đến 2,2% là điều cần chú ý. 

Dù vậy, tôi vẫn cho rằng CPI năm nay sẽ được kiểm soát ở mức một con số, tăng khoảng 8 đến 9%.

Còn GDP năm nay có lẽ cũng có khoảng cách khá xa so với phương án mà Quốc hội đã thông qua. Trong những năm gần đây, một số chỉ tiêu kinh tế lớn như CPI, GDP... thường không được như dự kiến từ đầu năm. Ông có suy nghĩ gì về tình trạng này?

Tôi cho rằng, các chỉ tiêu về kinh tế xét cho cùng chỉ là phương tiện; còn các chỉ tiêu về an sinh – xã hội mới là mục tiêu của phát triển. Vì thế theo tôi, chúng ta cần đổi mới nội dung và phương thức xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hiện nay theo hướng chuyển từ tính chất pháp lệnh sang tính chất chỉ dẫn. 

Ví dụ như các chỉ tiêu như chỉ số tăng giá... chỉ cần mang tính chất dự báo để định hướng, không cần xem đó là những trói buộc trong điều hành nền kinh tế của Nhà nước. Thay vào đó, chúng ta cần tập trung vào các chỉ tiêu phát triển bền vững như các chỉ tiêu về an sinh xã hội, môi trường... nhằm trói buộc các cấp chính quyền phải thực hiện nhiệm vụ của mình.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế của chúng ta không chỉ rất khó khăn trong năm nay, mà phải đến hết năm sau tình hình may ra mới khá lên. Xin cho biết quan điểm của ông?

Theo tôi, sang năm 2013, kinh tế Việt Nam vẫn ở mức tăng trưởng chậm, chưa hết trì trệ khi đầu tư chưa tăng nhanh được; sức mua cũng vậy; thị trường bất động sản chưa ấm trở lại do tiếp tục phải chịu hậu quả của bong bóng bất động sản, nợ xấu; thị trường chứng khoán cũng sẽ vẫn chưa ổn định. 

Nhìn chung bức tranh 2013 không quá ảm đạm, nhưng cũng không ấm lên một cách rõ nét.

Là một người rất tha thiết với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, theo ông, diễn tiến tình hình tái cơ cấu này hiện nay ra sao?

Tôi thấy có một số điểm không ổn, chẳng hạn như việc xử lý nợ xấu ngân hàng. Tuy đồng tình với chủ trương là không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng nhưng tôi cho rằng, nếu thực hiện như cách chúng ta làm hiện nay thì không ổn. 

Nếu tiếp tục công bố là không để ai mất tiền gửi ngân hàng thì không khác gì ngân hàng thương mại được Nhà nước “bảo kê”, hay nói cách khác là chúng ta đã dung túng cho các ngân hàng thương mại bắt nền kinh tế làm con tin.

Ngoài ra, tôi cũng đã nhiều lần nói trước Quốc hội là trong quá trình sắp xếp, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, dường như có một nhóm lợi ích nào đó “đục nước béo cò”. 

Vì lợi ích quốc gia, tôi kiến nghị phải giải quyết một cách dứt khoát, vấn đề là đừng để ai “đục nước béo cò” trong vấn đề tổ chức lại thị trường này mới giải quyết được nợ xấu.

Hay như đối với tái cấu trúc lực lượng doanh nghiệp Nhà nước theo hướng sử dụng như công cụ để bổ khuyết những “khuyết tật” của thị trường, làm tốt vai trò tham gia điều tiết thị trường, cung cấp tốt hơn các loại “hàng hoá và dịch vụ công cộng” phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Theo tôi, đang tồn tại 3 vấn đề trong hệ thống doanh nghiệp Nhà nước. 

Thứ nhất là sự nhập nhằng giữa doanh nghiệp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận (hình thức công ty) với định chế công phi lợi nhuận (phi lợi nhuận không có nghĩa là bản thân tổ chức đó hoạt động không sinh lời, mà chủ sở hữu không thu lợi nhuận). 

Thứ hai là mặc dù tất cả các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay đều được chủ sở hữu (Nhà nước) cho được hưởng cơ chế phi lợi nhuận (Nhà nước không lấy lợi nhuận sau thuế khác với khu vục tư nhân phải chia cổ tức), nhưng trong hầu hết các ngành có doanh nghiệp Nhà nước tham gia đều không “dẫn dắt” được thị trường nếu bỏ cơ chế độc quyền. Điều này cho thấy việc quản trị kém hiệu quả. 

Thứ ba là hai nhóm lĩnh vực cần sự can thiệp mang tính chủ đạo của lực lượng kinh tế nhà nước là cung cấp hàng hoá và dịch vụ công cộng và các ngành kinh tế có hiệu quả sinh lời thấp, nhưng cần thiết cho quá trình công nghiệp hoá như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư cho thị trường bất động sản sơ cấp, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghiệp công nghệ cao... nhưng dường như Nhà nước lại “nhường” cho thị trường. Nhà nước đầu tư phát triển lĩnh vực nào phải thể hiện quyết tâm chính trị của Nhà nước, chứ không phải để mặc doanh nghiệp Nhà nước cân nhắc hiệu quả tài chính đơn thuần.

Tái cấu trúc lực lượng doanh nghiệp Nhà nước để lực lượng này thực sự là sức mạnh vật chất, cùng với thể chế kinh tế trở thành công cụ điều tiết thị trường có hiệu quả. Đây là một nội dung rất quan trọng, không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, mà còn gắn kết được vấn đề kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)