Khủng hoảng ngành ô tô có thể kéo dài đến 2023

Bảo Bình
Chưa qua “cơn bĩ cực” vì tình trạng thiếu chip kéo dài và giá nguyên liệu tăng cao, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu lại đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới - chính sách đóng cửa ở một số thành phố lớn nhất của Trung Quốc...
Tác động tức thời của dịch Covid-19 gia tăng tại Trung Quốc khiến Toyota và VW phải giảm sản lượng
Tác động tức thời của dịch Covid-19 gia tăng tại Trung Quốc khiến Toyota và VW phải giảm sản lượng

Toyota Motor Corp. và Volkswagen AG, hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, đã đình chỉ sản xuất tại bốn nhà máy ở Trường Xuân hơn hai tuần trước khi thành phố cách Bắc Kinh, cách đó 950 km về phía đông bắc bị đóng cửa để ngăn chặn ổ dịch Covid-19. Hai nhà sản xuất nói rằng không rõ khi nào người lao động có thể đi làm trở lại. Điều đáng nói, sự cố xảy ra sau khi các nhà máy ở Thiên Tân ngừng hoạt động gần hai tuần trong đợt bùng phát dịch bệnh vào tháng Giêng.

Mối đe dọa do Covid-19 gây ra đã leo thang trong tuần này khi Thượng Hải - thủ đô tài chính của Trung Quốc - bị phong tỏa theo từng giai đoạn để hạn chế sự gia tăng của các ca nhiễm. Hãng xe điện Tesla đã buộc phải tạm ngừng sản xuất ở Gigafactory trong ít nhất bốn ngày. Đây là đòn giáng mạnh vào công ty tiên phong trong lĩnh vực ô tô điện vì Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của công ty và nhà máy Gigafactory sản xuất ô tô để xuất khẩu sang châu Âu và các thị trường châu Á khác. Đơn vị xe buýt và xe tải của Toyota, Hino Motors Ltd. cũng đã tạm dừng sản xuất tại nhà máy động cơ của mình trong thành phố.

Trung Quốc là một cường quốc sản xuất nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt đây là trung tâm của chuỗi cung ứng ô tô. Quốc gia này sản xuất khoảng 25 triệu xe ô tô mỗi năm - chiếm 1/3 tổng sản lượng toàn cầu - cũng như vô số linh kiện xe. Theo Joshua Cobb, nhà phân tích ô tô cấp cao của Fitch Solutions, nếu chính sách Covid-Zero của Trung Quốc được duy trì, sản lượng xe toàn cầu có thể mất 2% tăng trưởng vào năm 2022, tương đương với khoảng 1,5 triệu chiếc. Cùng với các vấn đề về nguồn cung khác, thời gian ngành ô tô phục hồi sản xuất có thể kéo dài đến năm 2030. 

Áp lực từ Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm ngành công nghiệp này cũng đang chịu áp lực trên nhiều mặt trận, từ việc Nga căng thẳng với Ukraine đẩy giá hàng hóa lên cao cho đến tình trạng thiếu chất bán dẫn kéo dài, điều này kéo dài thời gian chờ đợi mua xe mới của người tiêu dùng trên khắp thế giới. Cả Toyota và VW, trong những tháng gần đây, đã buộc phải cắt giảm kế hoạch sản xuất để đối phó với tình trạng hỗn loạn nguồn cung.

Hiện tại, tác động tức thời của dịch Covid-19 gia tăng tại Trung Quốc rất rõ ràng: Toyota và VW đang giảm sản lượng, mặc dù cả hai công ty đều từ chối cung cấp ước tính về mức độ. Vào tháng 1, khi Toyota buộc phải ngừng sản xuất tại Thiên Tân, sản lượng của hãng tại Trung Quốc đã giảm 16% so với một năm trước đó xuống còn 127.967 xe.

Nhà máy Gigafactory của Tesla ở Thượng Hải phải  đóng cửa trong 4 ngày vì dịch Covid
Nhà máy Gigafactory của Tesla ở Thượng Hải phải  đóng cửa trong 4 ngày vì dịch Covid

Với việc “rủi ro gia tăng, các điều kiện khó khăn tiếp tục kéo dài”, Toyota khó có thể đạt được mục tiêu sản xuất trong những tháng tới, Giám đốc Mua hàng Kazunari Kumakura cho biết vào đầu tháng này. Khi Covid-19 lan rộng ở Trung Quốc, khả năng tác động sẽ thêm nặng nề là điều "không thể phủ nhận".

Theo tính toán của Bloomberg, các đợt phong tỏa đang ảnh hưởng đến khoảng 71 triệu người, đồng thời làm giảm doanh số bán hàng trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Việc ngừng hoạt động “tác động trực tiếp đến số lượng xe mà chúng tôi có thể giao cho khách hàng”, Brian Gu, chủ tịch của EV mới nổi Xpeng Inc. cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Một số nhà quan sát tin tưởng Trung Quốc sẽ đánh bại dịch bệnh và nới lỏng các biện pháp chống Covid-19 cứng nhắc của họ. Đầu tháng này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi nỗ lực hạn chế ảnh hưởng về kinh tế và xã hội do chiến lược chống dịch quốc gia gây ra, đồng thời trong thời gian giãn cách, các nhà chức trách vẫn thực hiện một số biện pháp linh hoạt để tránh gián đoạn sản xuất nghiêm trọng.

Aaron Ho, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu đầu tư CFRA, cho biết Trung Quốc dường như đang dự tính các đợt giãn cách kéo dài khoảng một tháng. Đối với các công ty như Toyota, điều đó không gây ảnh hưởng “đáng kể” đến gián đoạn sản xuất.

Trong khi đó, General Motors Co. đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất tại một công ty liên doanh ở Thượng Hải bằng cách thực hiện một quy trình khép kín, các nhân viên làm việc, sống và ngủ trong các cơ sở cách ly. Theo một phát ngôn viên của công ty, nhà máy của VW ở Anting, một thị trấn ở khu vực Thượng Hải rộng lớn hơn, không bị ảnh hưởng bởi lệnh đóng cửa.

“Thượng Hải, cơ sở sản xuất ô tô và chất bán dẫn, sẽ là một chỉ số quan trọng cho thấy Trung Quốc và chính sách Zero-Covid của họ sẽ diễn biến như thế nào”, nhà phân tích Cobb nói. "Hiện tại, tất cả phụ thuộc vào mức độ phong tỏa và thời gian kéo dài bao lâu".

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.