15:41 06/01/2021

"Kinh tế thế giới bước vào thập kỷ lạc lối vì đại dịch Covid-19"

Hoài Thu

WB cho biết trước đại dịch Covid-19, triển vọng kinh tế thế giới vốn đã suy giảm do dân số già và tăng trưởng sản xuất kém. Đại dịch sẽ làm trầm trọng thêm đà suy giảm đó

Đại dịch Covid-19 châm ngòi cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ 2 - Ảnh: AFP/Getty Images
Đại dịch Covid-19 châm ngòi cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ 2 - Ảnh: AFP/Getty Images

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu bán niên mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế toàn cầu đang bước vào "một thập kỷ lạc lối" với mức tăng trưởng thấp sau khi đại dịch Covid-19 châm ngòi cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ 2. 

"Nhìn vào những gì từng xảy ra, kinh tế toàn cầu sẽ hướng tới một thập kỷ với tăng trưởng đầy thất vọng, trừ phi có những cải cách đáng kể và hiệu quả', WB cho biết trong báo cáo.

Ngân hàng này cho biết trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, triển vọng kinh tế thế giới vốn đã suy giảm do dân số già và tăng trưởng sản xuất kém. Và đại dịch sẽ làm trầm trọng  thêm sự suy giảm đó. 

WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu - với giả định rằng nền kinh tế vận hành với công suất tối đa - sẽ giảm xuống còn 1,9%/năm từ năm 2020-2029. Trước đại dịch, tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt mức 2,1%/năm trong giai đoạn này. 

Theo WB, những bất ổn và dự báo tăng trưởng kinh tế suy yếu do đại dịch có thể khiến các công ty không muốn đầu tư mở rộng kinh doanh. Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp kéo dài cùng với việc các trường học trên toàn cầu phải đóng cửa có thể ảnh hưởng tới kiến thức và kỹ năng của người lao động. 

Tất cả những điều này kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn, kể cả khi nền kinh tế phục hồi vào năm 2021 sau đợt suy giảm mạnh của năm 2020. WB dự báo sau khi sụt giảm 4,3% trong năm 2020, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay. 

Tuy vậy, không phải mọi thứ đều lạc lối. WB cho rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn có thể thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu hoặc đảo ngược những thiệt hại kinh tế do đại dịch. Các biện pháp này có thể gồm tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thúc đẩy sự tham gia của lao động nữ và đa dạng hóa nền kinh tế để không quá phụ thuộc vào một số lĩnh vực nào đó. Tuy vậy, các chính phủ cũng nên cân nhắc đưa ra các biện pháp dựa trên tình hình ngân sách, các ưu tiên và cấu trúc của nền kinh tế. 

"Những cải cách nhằm tăng cường đầu tư vào vốn vật chất và nhân lực, nâng cao nguồn cung lao động có thể sẽ giúp đảo ngược những thiệt hại mà đại dịch gây ra cho nền kinh tế trong thập kỷ tới", WB đưa ra khuyến nghị trong báo cáo. 

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trường gần 3% trong năm 2020, duy trì khoảng 6,8% trong năm 2021 và ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vaccine Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả.