17:23 17/04/2019

Kinh tế Trung Quốc tăng vượt dự báo trong quý 1/2019

Diệp Vũ

Đây được xem là kết quả của những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng mà Bắc Kinh triển khai thời gian qua

Dòng chữ "China" (Trung Quốc) tại một cảng biển ở Thanh Đảo - Ảnh: Getty/CNBC.
Dòng chữ "China" (Trung Quốc) tại một cảng biển ở Thanh Đảo - Ảnh: Getty/CNBC.

Trung Quốc ngày 17/4 công bố một loạt thống kê kinh tế khả quan, bao gồm tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2019 vượt dự báo.

Hãng tin CNBC dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng 6,4% trong quý đầu năm, so với mức dự báo tăng 6,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Mức tăng này bằng với mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong quý 4/2018 và thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với mức tăng 6,8% đạt được vào quý 1/2018.

Ngoài ra, sản lượng công nghiệp tháng 3 của Trung Quốc tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo tăng 5,9%. Doanh thu bán lẻ tháng 3 tăng 8,7%, vượt mức dự báo tăng 8,4%. Đầu tư tài sản cố định tăng 6,3%, phù hợp dự báo.

Sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc là một vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư toàn cầu thời gian gần đây, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.

Các nhà phân tích cho rằng các con số khả quan mà Trung Quốc vừa công bố là kết quả của những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng mà Bắc Kinh triển khai thời gian qua.

"Tôi cho rằng chính sách đó giờ đã thực sự phát huy tác dụng", bà Yifan Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc UBS Global Wealth Management, nhận định.

Bà Hu dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới, bởi những bấp bênh về thương mại vẫn còn đó, dù Mỹ và Trung Quốc những ngày gần đây phát tín hiệu sắp đi đến một thỏa thuận thương mại.

"Đàm phán vẫn đang tiếp tục. Chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn cần phải cẩn trọng với những bấp bênh và sự biến động có thể xảy ra sắp tới", bà Hu phát biểu.

Một phát ngôn viên của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cũng nói rằng cho dù có một số tín hiệu tốt, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với áp lực suy giảm tăng trưởng từ môi trường bên ngoài.

Mặc dù vậy, các chuyên gia của J.P. Morgan Asset Management đặt ra khả năng Bắc Kinh không triển khai thêm các biện pháp kích cầu nền kinh tế. Chuyên gia Tai Hui của công ty quản lý tài sản này nói rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ không nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để tránh tình trạng gia tăng nợ trong nền kinh tế.

"Chúng ta cần nhớ rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay là 6-6,5%, và mức tăng trưởng của quý 1 đã gần đạt cận trên của ngưỡng mục tiêu này", ông Hui viết trong một báo cáo.

Những số liệu công bố gần đây cũng cho thấy sự khởi sắc của kinh tế Trung Quốc. Trong tháng 3, nước này báo cáo số liệu xuất khẩu khả quan hơn dự báo và hoạt động của ngành sản xuất bất ngờ tăng trở lại.

Những con số này khiến một số chuyên gia đưa ra nhận định rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể đã chạm đáy và giờ đang hồi phục.

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nặng nền lên các hoạt động kinh tế toàn cầu, nhất là trong nửa sau của năm 2018. Điều này gia tăng sức ép lên Trung Quốc bởi nước này đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nợ nần, dẫn tới những mối lo rằng nền kinh tế số 1 châu Á có thể sẽ rơi vào một cuộc "hạ cánh cứng".