10:46 31/12/2020

Ký thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, châu Âu khiến Mỹ “mếch lòng”?

An Huy

Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/12 công bố một thỏa thuận đầu tư được chờ đợi từ lâu

Một màn hình phát hình ảnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc họp trực tuyến về thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU, ngày 30/12  - Ảnh: Reuters.
Một màn hình phát hình ảnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc họp trực tuyến về thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU, ngày 30/12 - Ảnh: Reuters.

Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/12 công bố một thỏa thuận đầu tư được chờ đợi từ lâu, nhằm mở ra những cơ hội kinh doanh mới và hấp dẫn cho các công ty của cả hai bên. Tuy nhiên, thỏa thuận này đặt EU trước nguy cơ làm "mếch lòng" chính quyền mới sắp lên cầm quyền ở Mỹ, tờ Financial Times cho hay.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo châu Âu, gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, đã nhất trí về thỏa thuận trên, hoàn tất cuộc đàm phán khó khăn kéo dài suốt 7 năm.

Ủy viên của EU về thương mại, ông Valdis Dombrovskis, nói với Financial Times rằng thỏa thuận hứa đựng "những kết quả tham vọng nhất mà Trung Quốc từng nhất trí với một quốc gia thứ ba" về quyền tiếp cận thị trường, cạnh tranh bình đẳng và phát triển bền vững.

"Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp châu Âu sẽ có được sự chắc chắn và mức độ dễ đoán tốt hơn cho hoạt động của họ", ông Dombrovskis phát biểu, và nói thêm rằng "trong một khoảng thời gian dài, quan hệ thương mại và đầu tư giữa EU với Trung Quốc không được cân bằng".

Thỏa thuận sẽ gỡ bỏ một số rào cản đối với doanh nghiệp EU muốn đầu tư vào Trung Quốc, chẳng hạn các quy định cụ thể về liên doanh và trần sở hữu nước ngoài, trong những ngành như ô tô, điện toán đám mây, bảo hiểm, quản lý tài sản... Đối với Trung Quốc, thỏa thuận giữ nguyên các quyền tiếp cận thị trường hiện có và mở thêm cánh cửa một số ngành như sản xuất và năng lượng tái sinh.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU có thể gây mâu thuẫn giữa châu Âu với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden - người đã nói nhiều về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương để gia tăng sức ép lên Trung Quốc.

Brussels đã đẩy mạnh việc ký kết thỏa thuận này, bất chấp việc ông Biden muốn tạo ra một liên minh đa phương với EU và các đối tác khác để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề thương mại.

Ông JakeSullivan, người sẽ giữ cương vị cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền ông Biden, nói: "Chính quyền ông Biden mong muốn tham vấn EU về một phương pháp phối hợp đối với việc Trung Quốc có những hành vi kinh tế không bình đẳng và những thách thức quan trọng khác".

Ông John Ullyot, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói: "Bất kỳ cam kết nào từ Trung Quốc mà không đi kèm các biện pháp thực thi mạnh mẽ và cơ chế kiểm chứng thì đơn thuần chỉ là một thắng lợi về mặt tuyên truyền của Trung Quốc".

Tuy nhiên, ông Dombrovkis nói với Financial Times rằng thỏa thuận giúp mang lại cho EU vị thế bình đẳng với Mỹ trong quan hệ đầu tư với Trung Quốc vì Mỹ đã giành quyền tiếp cận lớn hơn với thị trường Trung Quốc nhờ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung.

Thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU được công bố chỉ 2 ngày trước khi kết thúc năm 2020, cũng là hạn chót mà hai bên đặt ra vào năm ngoái để đạt thỏa thuận. Trước khi được đưa vào thực thi, thỏa thuận cần được Bắc Kinh và Brussels chính thức phê chuẩn. Giới chức châu Âu nói rằng EU muốn thỏa thuận có hiệu lực từ đầu năm 2022.