17:20 19/07/2019

Làn sóng tẩy chay hàng Nhật ở Hàn Quốc

Bình Minh

Người Hàn Quốc tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Nhật Bản sau khi Nhật hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn

Khẩu hiệu kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản trong một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc hôm 12/7 - Ảnh: Reuters.
Khẩu hiệu kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản trong một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc hôm 12/7 - Ảnh: Reuters.

Ngay sau khi Nhật Bản tuyên bố hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc, ông Cho Min-hyuk - một nhà quản lý siêu thị ở Seoul - quyết định rút toàn bộ hàng Nhật khỏi các kệ hàng.

Theo hãng tin Reuters, đây là cách ông Cho thể hiện quan điểm bài Nhật trong bối cảnh mâu thuẫn chính trị và kinh tế giữa hai nước láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á leo thang mạnh.

Nhiều cửa hàng khác ở Hàn Quốc cũng hành động tương tự, dấy lên một làn sóng tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Nhật Bản, từ bia tới quần áo và du lịch. Làn sóng này gây gián đoạn nhiều hoạt động kinh doanh ở Hàn Quốc giữa lúc nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng tăng trưởng yếu nhất trong một thập kỷ.

Ông Cho, người quản lý một siêu thị Purunemart rộng 1.500 mét vuông, tự nguyện chấp nhận thiệt hại. Theo Hiệp hội Siêu thị Hàn Quốc, khoảng 200 siêu thị và cửa hàng tiện ích khác cũng tình nguyện loại bỏ hàng hóa Nhật.

"Nhật Bản đang gây sức ép lên Hàn Quốc thông qua hạn chế xuất khẩu. Họ không biết hối tiếc về những hành vi sai trái trong quá khứ. Điều này là không thể chấp nhận được", ông Cho nói. Ông cho biết, việc doanh thu giảm 10-15% vì tẩy chay hàng Nhật không hề khiến ông thay đổi quan điểm.

Căng thẳng Hàn-Nhật gia tăng sau khi một tòa án Hàn Quốc vào năm ngoái ra lệnh các công ty Nhật phải bồi thường cho người Hàn Quốc bị cưỡng ép làm việc cho Nhật trong thời gian đế quốc Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chính phủ Nhật Bản không đồng tình với phán quyết này, vì cho rằng vấn đề lao động cưỡng ép đã được hai bên giải quyết khi nối lại quan hệ ngoại giao vào năm 1965.

Trong một động thái được cho là trả đũa, Tokyo hôm 4/7 tuyên bố hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Nhật Bản nói hai sự việc không liên quan đến nhau, mà quyết định của Nhật xuất phát từ tình trạng "quản lý không đến nơi đến chốn" xuất khẩu các mặt hàng nhạy cảm. Nhưng Seoul bác bỏ điều này, cho rằng Tokyo cố tình làm vậy để gây khó dễ kinh tế cho Hàn Quốc.

Đến nay, Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa có bất kỳ một động thái đáp trả nào, mà chỉ nói sẽ đưa vấn đề lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, người Hàn Quốc đã tự mình hành động, nhằm ngay vào hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản. Trong đó, bia Nhật trở thành một mục tiêu dễ dàng.

Hai chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất của Hàn Quốc là CU và GS25 cho biết doanh số bia Nhật giảm 21,5% và 24,2% trong 2 tuần đầu tiên của tháng 7. Doanh số bia Nhật tại một chuỗi cửa hàng tiện ích hàng đầu Hàn Quốc khác là E-Mart giảm 24,6%.

Hongcheon Culture Foundation, một đơn vị tổ chức lễ hội bia, cho biết đã hủy đơn hàng 1,2 tấn bia Kirin, cho dù trong lễ hội năm ngoái, thương hiệu bia này chiếm 1/10% doanh thu.

Hàn Quốc chiếm 61% kim ngạch xuất khẩu bia của Nhật Bản, chi hơn 73 triệu USD để mua bia Nhật trong năm 2018, theo dữ liệu của Euromonitor.

Ảnh chụp màn hình việc hủy tour đi Nhật đang trở thành xu hướng trên các mạng xã hội Hàn Quốc. Hanatour cho biết hiện mỗi ngày chỉ nhận được 500 khách đặt tour đi Nhật, từ mức bình quân 1.100 khách mỗi ngày trước đây. Very Good Tour cho biết lượng khách đặt tour đi Nhật giảm 10%, lượng hủy tour tăng 10% mỗi tuần.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản có thể khiến tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc giảm 0,4 điểm phần trăm trong năm nay. Làn sóng tẩy chay hàng Nhật có thể khiến mức độ thiệt hại đối với kinh tế Hàn Quốc tăng thêm, trừ phi người tiêu dùng bỏ tiền vào các sản phẩm thay thế.