12:34 26/10/2020

Mất việc làm, nhiều tiểu bang quan trọng có thể quay lưng với ông Trump

An Huy

Sự bất mãn của cử tri là công nhân có thể tước đi của ông Trump cơ hội tái đắc cử

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một chuyến thăm nhà máy thép ở bang Illinois năm 2018 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một chuyến thăm nhà máy thép ở bang Illinois năm 2018 - Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 5 năm nay, hãng thép Mỹ United States Steel (US Steel) công bố đợt sa thải thứ tư chỉ trong vòng nửa năm, theo đó cho 2.700 công nhân thôi việc ngay lập tức và cảnh báo có thể phải sớm cắt giảm 6.500 công việc nữa.

Từng là một ví dụ điển hình cho kế hoạch khôi phục ngành công nghiệp thép của Tổng thống Donald Trump, US Steel gửi thông báo sa thải tới hàng nghìn công nhân tại trụ sở công ty ở Pittsburgh, Pennsylvania và nhiều tiểu bang khác như Michigan. Đây đều là những bang mà cử tri là công nhân đã có đóng góp quan trọng trong việc đưa ông Trump tới chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, khi họ tin vào lời lứa của ông về phục hưng nền sản xuất Mỹ.

Nhưng lời hứa đó đã không trở thành sự thật, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) nhận định.

ÔNG TRUMP THẤT HỨA?

SCMP nói rằng, những cử tri bất mãn vì triển vọng công ăn việc làm ngày càng xấu đi ở các tiểu bang có nhiều nhà máy sản xuất thép, máy móc và ô tô có thể tước đi của ông Trump cơ hội tái đắc cử vào ngày 3/11 năm nay.

Trong chiến dịch tranh cử 2016, ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc "đánh cắp" việc làm của Mỹ và hứa sẽ đưa hàng triệu việc làm với thu nhập tốt quay trở lại với người Mỹ. Để làm được việc này, ông đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Mỹ và châm ngòi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, ngành sản xuất của Mỹ đã mất 170.000 việc làm. Từ trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tiền lương trung bình theo giờ của công nhân ngành sản xuất Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.

"Nhiều lời hứa của ông Trump chỉ là những lời hùng biện trống rỗng, chẳng mang lại lợi ích thực sự nào cho ngành sản xuất", ông Scott Paul, Chủ tịch Liên minh Công nghiệp sản xuất Mỹ (AAM), phát biểu. "Thứ còn thiếu là một chiến lược lớn để làm sao định hình lại năng lực cạnh tranh của Mỹ và cách đối phó với Trung Quốc".

Không thực hiện được lời hứa với công nhân ngành sản xuất có thể gây hậu quả "chết người" đối với ông Trump trong lần bầu cử này, khi suy thoái kinh tế nhấn chìm nhiều bang chủ chốt. Cách đây 4 năm, những bang như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania vốn là những bang theo Đảng Dân chủ đã quay sang ủng hộ ông Trump, giúp ông thắng bà Hillary Clinton bằng phiếu đại cử tri. Năm nay, các bang này rất có thể sẽ quay lại ủng hộ ứng cử viên của Đảng Dân chủ Joe Biden.

Một cuộc khảo sát trong tháng 10 này của Gallup cho thấy 89% cử tri Mỹ coi kinh tế, trong đó có việc làm, là mối lo hàng đầu hiện nay.

"Ông Trump không làm được điều kỳ diệu như ông ấy đã hứa… Với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhiều người có thể không bỏ phiếu cho ông ấy nữa", giáo sư khoa học chính trị Michael Lewis-Beck nhận định.

CƠ HỘI CHO ÔNG BIDEN

Ông Biden không bỏ lỡ cơ hội để lôi kéo cử tri. Ông đưa ra một chương trình tín dụng thuế có tên "Made in America" và chủ trương phạt thuế đối với các công ty Mỹ sản xuất hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài để mang về bán trong nước. "Tôi xin đưa ra một kế hoạch để tạo hàng triệu việc làm thu nhập tốt. Khi chúng tôi tiêu tiền thuế của người Mỹ, chúng tôi nên sử dụng tiền đó để mua hàng hóa Mỹ và hỗ trợ việc làm cho người Mỹ", ông Bidn phát biểu trước người ủng hộ.

Ở thời điểm ngày 22/10, ông Biden dẫn trước ông Trump tại 6 bang quan trọng, gồm Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, Florida, North Carolina và Arizona, theo kết quả thăm dò của Real Clear Politics. Việc làm của công nhân ngành sản xuất tại các bang này giảm trong những năm gần đây, đẩy tỷ lệ người nghèo lên mức 2 con số, theo số liệu 2018 của Cục Thống kê dân số Mỹ (Cencus Bureau).

Chưa đầy 2 tuần trước ngày bầu cử, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ mà cử tri Mỹ dành cho ông Trump là 43,2%. Kể từ khi lên cầm quyền, tỷ lệ ủng hộ mà ông Trump đạt được chưa khi nào vượt 50%. Mức bình quân của tỷ lệ ủng hộ ông là 41%, thấp nhất đối với một Tổng thống Mỹ kể từ Tổng thống Jimmy Carter hồi năm 1980.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc thực chất do người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ gánh chịu. Theo phân tích của tổ chức nghiên cứu American Actio Forum, thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc khiến người tiêu dùng Mỹ phải tiêu tốn thêm 57 tỷ USD mỗi năm.

Ông Trump và các cố vấn của ông bác bỏ điều này, khẳng định rằng thuế quan giúp cân bằng cán cân thương mại và bảo vệ nền sản xuất Mỹ. Nhưng trên thực tế, dù nhu cầu của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có giảm, thuế quan không hề giúp nền sản xuất Mỹ khởi sắc.

Sản lượng của ngành sản xuất Mỹ năm 2019 đạt 6,27 nghìn tỷ USD, hầu như không thay đổi so với năm 2018, dù nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 17%, theo số liệu của công ty tư vấn Kearney. Còn theo số liệu của Census Bureau, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ trong tháng 8 năm nay lập kỷ lục ở mức 83,9 tỷ USD.

Ông Trump thì nói rằng mọi chuyện đang tốt đẹp. Hồi tháng 9, chiến dịch vận động tranh cử của ông chạy một quảng cáo TV nói rằng nước Mỹ đang ở trong giai đoạn kinh tế tốt nhất trong lịch sử. Những hình ảnh nền của quảng cáo này là một chuyến thăm của ông Trump tới US Steel vào năm 2018.

"Một điều khiến công nhân ngành sản xuất bất mãn là họ cảm thấy như bị sử dụng làm con bài chính trị", ông Paul, Chủ tịch AAM, phát biểu. "Họ thấy như bị các chính trị gia lãng quên ngay sau cuộc bầu cử".