Mercedes sắp triển khai dịch vụ gọi xe cao cấp tại Trung Quốc

Hoài Thu
Phục vụ cho dịch vụ này sẽ là một đội xe sang gồm Mercedes-Benz S, E và V-class
Mercedes hợp tác với công ty Trung Quốc để triển khai dịch vụ gọi xe cao cấp - Ảnh: Getty Images.
Mercedes hợp tác với công ty Trung Quốc để triển khai dịch vụ gọi xe cao cấp - Ảnh: Getty Images.

Theo CNN, hãng xe Đức Daimler - công ty mẹ của Mercedes sẽ hợp tác với nhà sản xuất ôtô Trung Quốc Geely để triển khai dịch vụ gọi xe cao cấp tại Trung Quốc vào năm 2019. 

Cũng giống nhiều hãng ôtô lớn khác, hai công ty này đang nỗ lực thích nghi với những xu hướng mới mà công nghệ mang đến cho ngành công nghiệp ôtô truyền thống. Giờ đây, chỉ sản xuất và bán xe là chưa đủ, đặc biệt là khi doanh số ôtô có xu hướng sụt giảm tại các thị trường lớn trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. 

Daimler và Geely sẽ hợp tác phát triển một phần mềm cho liên doanh của mình - đặt trụ sở tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Đây cũng là nơi có trụ sở của Geely. Phục vụ cho dịch vụ gọi xe cao cấp của liên doanh này sẽ là một đội xe gồm  Mercedes-Benz S, E và V-class. Một số dòng ôtô điện cao cấp của Geely sẽ được bổ sung vào sau. 

Đây là hoạt động đầu tiên giữa Daimler và Geely sau khi công ty Trung Quốc thâu tóm gần 10% cổ phần Daimler hồi đầu năm nay. 

"Việc phát triển các dịch vụ như vậy, ở nơi mà cả hai công ty đều đã có sự hiện diện, là một phần trong quá trình chuyển đổi từ một nhà sản xuất ôtô trở thành tập đoàn công nghệ xe hơi toàn cầu của chúng tôi", Chủ tịch Geely - An Conghui cho biết trong thông cáo.

Ngày 24/10, Geely và Daimler đã ký một thỏa thuận sơ bộ về một liên doanh dịch vụ gọi xe mới tại trụ sở của Daimler ở Stuttgart, Đức.

Mercedes sắp triển khai dịch vụ gọi xe cao cấp tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Daimler và Geely ký thỏa thuận hợp tác triển khai dịch vụ gọi xe cao cấp tại trụ sở của Daimler ở Stuttgart, Đức.

Hiện tại, Geely đã có dịch vụ gọi xe có tên Caocao tại Trung Quốc, sử dụng các dòng ôtô điện của công ty này. Dịch vụ này mới chỉ hoạt động chủ yếu tại các thành phố nhỏ tại Trung Quốc. Trong khi đó, Daimler đã có nhiều bước tiến vào lĩnh vực này như xây dựng liên doanh với BMW, hợp tác với Uber về ôtô tự lái, cũng như đầu tư vào nhiều startup. 

Tuy nhiên, dịch vụ mới của Daimler và Geely sẽ phải cạnh tranh gay gắt tại Trung Quốc, nơi mà Didi Chuxing - công ty gọi xe lớn nhất nước này - đã tung ra dịch vụ cao cấp với một đội xe sang. Didi được biết là công ty đã "hất cẳng" Uber ra khỏi Trung Quốc sau cuộc chiến cạnh tranh tiêu tốn hàng tỷ USD của cả đôi bên vào năm 2016.

Hiện Didi chiếm khoảng 90% thị trường gọi xe tại Trung Quốc. Tuy nhiên, danh tiếng của công ty này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi nữ hành khách bị giết hại bởi một tài xế Didi hồi tháng 8 - vụ thứ 2 xảy ra trong năm nay. 

Theo một báo cáo mới đây của hãng tư vấn Bain & Company, ngoài Didi, khách hàng Trung Quốc cũng thường đặt xe qua các ứng dụng khác như Baidu Maps hay nền tảng thanh toán Alipay. Việc hợp tác với một ứng dụng với nhiều người dùng có thể giúp một dịch vụ gọi xe mới ra mắt có điểm tựa để cạnh tranh với các đối thủ lớn.

Theo Bain & Company, thị trường gọi xe Trung Quốc được định giá 30 tỷ USD, nhiều hơn tổng cộng phần còn lại của thế giới và được dự báo sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2020. Theo đó, vẫn còn nhiều dư địa cho các công ty mới nhập cuộc. 

Theo đối tác Raymond Tsang của Bain & Company, nếu Geely và Daimler chỉ sử dụng các dòng xe xa xỉ, thì không khác gì so với dịch vụ mà Didi đã có hiện tại. Để giành được khách hàng tại Trung Quốc, dịch vụ của họ cần phải "thực sự độc đáo và cao cấp. Họ phải thực sự khác biệt về dịch vụ và độ tin cậy", Tsang nói. 

Với nguồn vốn đầu tư khổng lồ, công ty dịch vụ trực tuyến Meituan Dianping của Trung Quốc cũng triển khai dịch vụ gọi xe riêng riêng vào đầu năm nay, với kỳ vọng tận dụng được lượng dữ liệu từ dịch vụ giao hàng với 290 triệu người dùng hàng tháng của mình.

Tuy nhiên, không lâu trước khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng trước, Wang Huiwen, phó chủ tịch cấp cao của Meituan cho biết công ty này sẽ xem xét lại cách tiếp cận đối với dịch vụ vốn tiêu tốn nhiều tiền để thu hút khách hàng này.

"Hiện tại, dựa trên các đánh giá về mảng kinh doanh dịch vụ gọi xe, chúng tôi sẽ không tiếp tục mở rộng", Wang nói.

Tin mới

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.