00:31 15/12/2007

Mũ bảo hiểm: “Giờ G”, nhìn lại

Anh Quân

Tối 14/12. Dạo một vòng các điểm bán mũ bảo hiểm tại Hà Nội thì điều dễ thấy là số người mua đã tăng đột biến

Nhộn nhịp mua mũ tối 14/12.
Nhộn nhịp mua mũ tối 14/12.
Tối 14/12. Dạo một vòng các điểm bán mũ bảo hiểm tại Hà Nội thì điều dễ thấy là số người mua đã tăng đột biến.

Ở các tụ điểm như phố Huế, Bạch Mai, lượng người mua chen chân kín các cửa hàng. Có nơi, người mua tràn cả ra đường, khiến ùn tắc giao thông.

Ý thức

Cho đến tận chiều 14/12, số người đi xe máy có đội mũ bảo hiểm vẫn chỉ lác đác. Số đội mũ hầu hết là công chức do bị cơ quan bắt buộc thực hiện từ 15/10.

Càng gần đến ngày 15/12, thông tin về việc cảnh sát giao thông sẽ lập các điểm kiểm tra trên địa bàn Hà Nội và phạt không khoan nhượng các trường hợp không đội mũ bảo hiểm thì tâm lý lo ngại mới buộc nhiều người đi mua mũ. Hỏi chuyện một khách hàng cầm trên tay chiếc mũ Protec vừa mua, được cho biết: “Giá đắt hơn hôm qua, anh ạ. Nhưng bằng giá nào cũng phải mua một chiếc, không thì mai không dám ra đường.”

Dù lượng khách mua trong ngày cuối cùng trước "giờ G" tăng đột biến và các chủ cửa hàng bán được giá hơn, nhưng một số người bán hàng cho biết, khách mua mũ bảo hiểm đa số chọn loại rẻ tiền. “Nhiều người đội mũ chỉ để đối phó với công an”, một chủ cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên phố Huế nói.

Hai tháng qua, việc tuyên truyền đội mũ bảo hiểm đã được triển khai khá bài bản với nhiều nội dung đa dạng, hấp dẫn. Thế nhưng, người tham gia giao thông dường như chưa có sự chuyển biến cơ bản về nhận thức.

Vấn đề đặt ra là tại sao khi mọi người đều nắm rất rõ lợi ích của mũ bảo hiểm và tác hại của việc không sử dụng phương tiện an toàn này khi tham gia giao thông, mà việc triển khai lại chưa có được sự đồng thuận của nhiều người dân?

Chuẩn bị

Cả nước hiện nay có khoảng 20 triệu xe gắn máy. Theo quy định, chúng ta scần khoảng 40 triệu mũ bảo hiểm.

Trước nhu cầu tăng rất mạnh trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp đã không thể nào cung cấp kịp thời slượng mũ. Để lấp vào chỗ thiếu ấy, nguồn mũ bảo hiểm nhập lậu ngay lập tức thế chỗ.

Lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong năm nay đã bắt giữ hàng trăm vụ nhập lậu mũ bảo hiểm. Riêng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 12/9, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ trên 10 nghìn mũ bảo hiểm nhập lậu từ Trung Quốc.

Theo Trung tâm Kỹ thuật 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), từ năm 2005 đến hết tháng 6/2007, đã kiểm tra 12 lô hàng gồm 21.526 chiếc mũ có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản của 6 đơn vị nhập khẩu. Kết quả có 9 lô hàng đạt với 8.826 chiếc, 3 lô hàng không đạt với 12.760 chiếc (chủ yếu vi phạm chỉ tiêu đâm xuyên).

Chất lượng mũ bảo hiểm nhập lậu đã được chứng minh không đảm bảo. Một số cuộc thử nghiệm cho thấy, mũ nhập lậu nứt, vỡ khi thả rơi tự do từ độ cao 1m. Vậy mà đến nay nhiều loại mũ bảo hiểm nhái, trôi nổi, kém chất lượng vẫn được bày bán vô tư.

Trách nhiệm

Qua hơn ba tháng kiểm tra, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Tp.HCM khẳng định đến 75,8% mẫu mũ bảo hiểm không đạt về các chỉ tiêu an toàn như: quai đeo, đâm xuyên, độ bền va đập và hấp thu xung động. Còn theo Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, từ tháng 8/2007 đến nay đã kiểm tra hơn 700 mẫu mũ bảo hiểm nhưng chỉ 30% trong số đó là đạt chất lượng.

Đợt thanh tra về chất lượng mũ bảo hiểm của 1284 cơ sở trên cả nước vừa qua đã phát hiện hơn một nửa số cơ sở vi phạm (691). Cá biệt có những địa phương 100% cơ sở sản xuất khi kiểm tra đều vi phạm như Bến Tre, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Bình.

Rõ ràng, nhiều doanh nghiệp chỉ coi đây là một dịp làm ăn thời vụ.

Là một tiện ích dành cho người đi xe máy, mũ bảo hiểm cũng như túi khí ở ôtô để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nếu như ở các nước, các hãng sản xuất xe máy đồng thời phải cung cấp mũ bảo hiểm kèm theo xe thì khi vào Việt Nam, các hãng đã “quên” mất điều này. Không biết có phải các doanh nghiệp này muốn giảm chi phí, hay vì thấy người Việt Nam không quen dùng mũ bảo hiểm mà bớt đi cho đỡ... vướng?