12:42 08/08/2018

Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép cuộn Việt

Duyên Duyên

Quyết định khởi xướng điều tra được ban hành căn cứ vào đơn kiện ngày 12/6/2018 của các doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ

Theo cáo buộc của các doanh nghiệp Mỹ, sản phẩm thép cuộn cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam thuộc cùng loại với sản phẩm đang bị áp thuế của Hàn Quốc.
Theo cáo buộc của các doanh nghiệp Mỹ, sản phẩm thép cuộn cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam thuộc cùng loại với sản phẩm đang bị áp thuế của Hàn Quốc.

Sản phẩm thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam bị nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội từ Hàn Quốc.

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ vừa đăng công báo khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Trước đó, năm 2016, Mỹ đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp 24,24%-93,69% đối với thép cuộn cán nguội của Hàn Quốc.

Theo cáo buộc của các doanh nghiệp Mỹ, sản phẩm thép cuộn cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam thuộc cùng loại với sản phẩm đang bị áp thuế của Hàn Quốc. Đồng thời được sản xuất từ nguyên liệu thép cán nóng nhập từ Hàn Quốc và việc sản xuất này không được coi là "chuyển đổi đáng kể" do quá trình sản xuất tại Việt Nam chỉ thêm một phần nhỏ trong tổng giá trị sản phẩm thép cuộn cán nguội xuất khẩu sang Mỹ.

Theo quy định của Mỹ, để bổ sung sản phẩm của nước thứ ba vào lệnh áp thuế hiện hành (áp thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp), Bộ Thương mại Mỹ cần phải xem xét 5 yếu tố.

Thứ nhất, sản phẩm nhập khẩu từ một nước thứ ba thuộc cùng loại với sản phẩm bị áp thuế.

Thứ hai, trước khi nhập khẩu vào Mỹ, sản phẩm này đã được hoàn thiện hoặc gia công tại một nước thứ ba từ sản phẩm sản xuất ở nước bị áp thuế.

Thứ ba, quá trình gia công hoặc hoàn thiện ở nước thứ ba là nhỏ hoặc không đáng kể.

Thứ tư, trị giá của hàng sản xuất ở nước bị áp thuế chiếm phần lớn tổng trị giá của sản phẩm được xuất khẩu sang Mỹ.

Cuối cùng, Bộ Thương mại Mỹ quyết định rằng việc điều tra là cần thiết để tránh việc lẩn tránh.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cũng phải xem xét các yếu tố như xu hướng thương mại; liệu nhà sản xuất/xuất khẩu nguyên liệu đầu vào có liên kết với bên ở nước thứ 3 là bên sử dụng các nguyên liệu này để gia công/hoàn thiện sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ hay không? Và liệu nước bị áp thuế có tăng xuất khẩu nguyên liệu đầu vào sang nước thứ 3 sau khi Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra và áp thuế hay không.

Theo quy định của Mỹ, Bộ Thương mại nước này sẽ ban hành quyết định cuối cùng trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng.

Cục Phòng vệ thương mại cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan của Việt Nam tham gia và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để đảm bảo kết quả tích cực trong vụ việc, đồng thời trao đổi, phối hợp chặt chẽ với đơn vị này trong quá trình xử lý vụ việc.

Trước đó, ngày 21/5, Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố áp thuế nhập khẩu mạnh tay lên các sản phẩm thép vận chuyển từ Việt Nam nhưng được cho là có xuất xứ Trung Quốc, sau khi kết quả điều tra cuối cùng của Mỹ xác định những sản phẩm thép này "né" thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.

Cụ thể, Hải quan Mỹ sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền (substrate) có xuất xứ Trung Quốc.

Đối với thép chống gỉ từ Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá 199,43% và thuế chống trợ cấp 39,05%.

Những mức thuế này sẽ được cộng thêm với thuế quan 25% đối với hầu hết các sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ theo quyết định của nước này dựa trên cuộc điều tra an ninh quốc gia đối với thép và nhôm nhập khẩu.