Mỹ tung 5 tỷ USD cứu ngành công nghiệp phụ trợ ôtô

Mai Phương
Chính phủ Mỹ thành lập quỹ trị giá 5 tỷ USD để bảo lãnh cho các khoản nợ mà các hãng ôtô nợ các nhà cung cấp
GM sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ quỹ cứu trợ này - Ảnh: AP.
GM sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ quỹ cứu trợ này - Ảnh: AP.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 19/3 đã thành lập một quỹ trị giá 5 tỷ USD để giúp các công ty cung cấp phụ tùng cho ngành công nghiệp ôtô của nước này thoát khỏi nguy cơ sụp đổ.

Theo kế hoạch, số tiền trên sẽ được dùng để bảo lãnh cho các khoản nợ mà các hãng ôtô nợ các nhà cung cấp, đặc biệt là các nhà cung cấp cho hai “đại gia” General Motors (GM) và Chrysler. Trong tuyên bố về kế hoạch hỗ trợ này, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định, các nhà cung cấp phụ tùng sẽ được thanh toán tiền mà các hãng ôtô nợ họ, cho dù “có điều gì xảy ra với hãng xe đó”.

Hiện ngành công nghiệp phụ trợ ôtô Mỹ có khoảng 1.500 công ty, sử dụng 500.000 lao động tại nước này. Trong mấy tuần gần đây, tình thế của ngành này đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Các quan chức phụ trách lĩnh vực giải cứu ngành ôtô của Nhà Trắng đã liên tục được các hãng xe hơi, các công ty tư vấn và chính các công ty phụ tùng về sự thiếu hụt tín dụng có thể khiến khoảng 500 nhà cung cấp phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong vòng 2 tháng tới.

Một cuộc điều tra do công ty tư vấn toàn cầu A.T. Kearney dự báo, một nửa số hãng phụ trợ công nghiệp ôtô ở Mỹ sẽ phá sản trong năm 2009 này nếu Chính phủ không hỗ trợ họ.

Đáng lo nhất là việc sự đổ vỡ đột ngột của quá nhiều nhà cung cấp, như sự đổ vỡ của các hãng American Axle, Lear và Visteon, có thể khiến các hãng xe GM và Chrysler, thậm chí cả hãng Ford, lâm vào tình cảnh khó khăn tài chính nghiêm trọng hơn. Bởi lẽ, sự đổ vỡ này sẽ dẫn tới gián đoạn sản xuất của các hãng xe, đồng thời còn có thể buộc nhiều nhà máy lắp ráp xe hơi nước ngoài tại Mỹ là khách hàng của các nhà cung cấp này phải sa thải nhân công.

Từ giữa năm ngoái tới nay, tình hình của ngành công nghiệp phụ trợ ôtô Mỹ mỗi lúc thêm khó khăn. Do doanh số thị trường xe hơi Mỹ sụt giảm, các hãng xe phải đóng cửa nhiều dây chuyền sản xuất, giảm lượng phụ tùng tiêu thụ, đồng thời lại gặp khó khăn trong việc thanh toán cho các nhà cung cấp.

Các hãng phụ trợ ôtô Mỹ thường tính toán lợi nhuận của họ dựa trên doanh số hàng năm của thị trường xe hơi nước này, vào khoảng 13-15 triệu xe. Tuy nhiên, thị trường xe hơi Mỹ trong vòng 1 năm trở lại đây chỉ đạt mức doanh số trên dưới 10 triệu xe, khiến lợi nhuận vốn đã mỏng của các hãng cung cấp càng bị bào mòn thêm.

Năm 2008, doanh số thị trường xe hơi Mỹ sụt giảm 18%. Tệ hơn, trong hai tháng đầu năm nay, doanh số tiếp tục giảm thêm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới quan sát từ lâu đã nhận định, song song với cuộc khủng hoảng của các hãng ôtô là cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp phụ trợ.

Trong khi đó, GM và Chrysler - hai hãng xe chiếm 2/3 ngành công nghiệp ôtô Mỹ - hiện vẫn chưa thoát cơn nguy ngập. Hiện hai hãng này đã nhận được 17,4 tỷ USD tiền cứu trợ từ Chính phủ và đang xin vay thêm 21,6 tỷ USD nữa.

Tuy nhiên, ngày 31/3 này sẽ là hạn chót để GM và Chrysler chứng minh với Nhà Trắng rằng họ đang thực hiện kế hoạch cải tổ và kế hoạch đó liệu đủ hiệu quả để giúp cho họ tránh được nguy cơ phá sản. Đây cũng được xem là điều kiện để Chính phủ Mỹ cân nhắc xem có cho các hãng xe này vay thêm tiền hay không.

(Theo Business Week, Reuters)

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.