15:45 12/02/2018

Mỹ tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên

An Huy

Tuyên bố này cho thấy một sự xê dịch khỏi lập trường trước đó của chính quyền Donald Trump về vấn đề Triều Tiên

Bà Kim Yo Jong (thứ hai từ trái qua) và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (thứ hai từ phải qua) tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, Hàn Quốc - Ảnh: Getty/Bloomberg.
Bà Kim Yo Jong (thứ hai từ trái qua) và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (thứ hai từ phải qua) tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, Hàn Quốc - Ảnh: Getty/Bloomberg.

Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, cho dù Washington duy trì sức ép đối với nhà lãnh đạo Kim Jong Un - Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố, phát tín hiệu về một sự dịch chuyển trong chính sách của Mỹ.

Tờ Washington Post cho biết, trong các cuộc gặp diễn ra tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, Hàn Quốc, ông Pence và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhất trí sẽ theo đuổi đối thoại với Triều Tiên. Ông Pence gọi chiến lược mới này là "cùng lúc vừa gây sức ép tối đa, vừa đối thoại".

"Điểm chính ở đây là áp lực sẽ không giảm xuống cho tới khi nào Triều Tiên thực sự làm một điều gì đó mà chúng tôi tin là một bước đi quan trọng tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân", tờ Washington Post dẫn lời ông Pence nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đường trở về Mỹ từ Hàn Quốc. "Bởi vậy, chiến dịch gây sức ép tối đa sẽ tiếp diễn và tăng cường. Nhưng nếu họ muốn đàm phán, chúng tôi sẽ đàm phán".

"Tôi nghĩ điều này khác với những gì đã diễn ra 20 năm qua", ông Pence nói. Khi được hỏi Triều Tiên chính xác cần phải làm gì để được Mỹ nới trừng phạt, Phó tổng thống Mỹ đáp: "Tôi không biết!".

Hãng tin Bloomberg nhận định những phát biểu trên của ông Pence cho thấy một sự xê dịch khỏi lập trường trước đó của chính quyền Tổng thống Donald Trump rằng trước hết Triều Tiên phải chấp nhận bàn về giải trừ hạt nhân thì hai bên mới có thể ngồi vào bàn đàm phán.

Sự dịch chuyển này diễn ra sau khi Tổng thống Moon Jae-in đảm bảo với ông Pence rằng Triều Tiên sẽ không được hưởng lợi ích kinh tế hay ngoại giao gì nhờ việc đàm phán, mà để được hưởng những lợi ích như vậy, Bình Nhưỡng phải có những bước cụ thể tiến tới giải trừ hạt nhân.

"Điều này cho thấy sự linh hoạt mà Mỹ cần để có được bước tiến về phía trước", ông William McKinney, một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Mỹ-Triều thuộc Trường nghiên cứu quốc tế cao cấp Johns Hopkins, phát biểu. "Đây có thể được xem như triển khai song song sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Làm như vậy sẽ giúp Mỹ có nhiều lựa chọn hơn để sử dụng trong đàm phán với Triều Tiên".

Em gái của ông Kim Jong Un là bà Kim Yo Jong vừa có chuyến thăm lịch sử tới Bình Nhưỡng nhân dịp Thế vận hội. Bà đã chuyển lời mời của ông Kim Jong Un tới ông Moon Jae-in, mời nhà lãnh đạo Hàn Quốc thăm Bình Nhưỡng, đồng thời đề nghị ông Moon đóng vai trò "đi đầu" trong việc thống nhất hai miền bán đảo Triều Tiên sau gần 1 thập kỷ chia cắt.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nói để ông Moon nhận lời mời này, Triều Tiên cần đáp ứng một số tiền đề nhất định.

Khi cùng có mặt trên khán đài VIP trong lễ khai mạc Thế vận hội vào buổi tối ngày thứ Sáu, ông Pence đã phớt lờ sự có mặt của bà Kim Yo Jong và các quan chức cấp cao Triều Tiên khác. Phát biểu trước báo giới, ông luôn nhấn mạnh về sức mạnh của liên minh Mỹ-Hàn và việc Triều Tiên cần phải từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Bộ Thống nhất thuộc Chính phủ Hàn Quốc ngày 12/2 nói rằng hai miền Triều Tiên cần dẫn đầu cuộc đối thoại, kết hợp với sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác quốc tế.

Lời mời ông Moon Jae-in thăm Bình Nhưỡng từ ông Kim Jong Un đã làm dấy lên lo ngại rằng Triều Tiên đã thành công trong việc chia rẽ liên minh Mỹ-Hàn, trong bối cảnh Washington và Seoul đã tồn tại một số bất đồng về làm thế nào để buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.