16:22 18/01/2019

Năm 2018, 5 tỷ USD kiều hối đổ về Tp.HCM

Xuân Thái

Trong tổng lượng kiều hối vào Việt Nam, Mỹ là nguồn lớn nhất với 55%; tiếp theo là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc

Trong 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước tăng từ 10% -15%/năm.
Trong 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước tăng từ 10% -15%/năm.

Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 16/1/2019, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong năm 2018, thành phố nhận được khoản kiều hối 5 tỷ USD, thấp hơn một chút so với năm 2017 (5,2 tỷ USD). 70% trong số đó được đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo người đứng đầu chính quyền Tp.HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm qua đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 8,3%.

Năm 2018, Tp.HCM thu hút đầu tư nước ngoài 7,39 tỷ USD, thu ngân sách đạt 378.543 tỷ đồng, vượt dự toán 0,47%, chiếm 27,8% của cả nước. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 465.990 tỷ đồng, tăng 20,3% chiếm 35% GRDP. Chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn tập trung thành phố đạt 30.689 tỷ đồng, chiếm 43,38% trong tổng chi cân đối ngân sách thành phố. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách thành phố ước đạt 95%.

Lãnh đạo thành phố cũng cho biết, đã có 81 công trình, dự án trọng điểm hoàn thành. Bình quân 1 đồng vốn đầu tư ngân sách huy động được 13,4 đồng cho đầu tư toàn xã hội. Trong đó có 20 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã hoàn tất ký kết hợp đồng dự án và triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 67.223 tỷ đồng. Thành phố có 683 dự án tham gia Chương trình kích cầu đầu tư với tổng mức đầu tư là 46.178 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đã hỗ trợ lãi vay cho các dự án là 2.998 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thành Phong nêu rõ: "Thành phố đang xây dựng chương trình hỗ trợ cho 6.000 doanh nghiệp mạnh có số vốn trên 100 tỷ đồng; đồng thời, tiếp tục chuyển các dự án đầu tư công có khả năng bảo đảm nguồn thu sang chương trình kích cầu đầu tư, dự kiến tiết kiệm ngân sách khoảng 47.000 tỷ đồng".

Báo cáo "Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam" do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cuối năm 2018 cho thấy, Việt Nam lọt vào top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Theo đó, kiều hối của Việt Nam chiếm 6 - 8% GDP hàng năm trong các năm 2006 - 2017, cao hơn các nước phát triển khác (bình quân chỉ chiếm 1 - 2% GDP). 

Trong tổng lượng kiều hối vào Việt Nam, Mỹ là nguồn lớn nhất với 55%; tiếp theo là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Những nhóm đối tượng chính gửi kiều hối về Việt Nam là Việt kiều hải ngoại và lao động xuất khẩu. Việt kiều chủ yếu định cư ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp chiếm phần lớn tới 80 - 90% lượng kiều hối gửi về nước. Xuất khẩu lao động chiếm một tỷ lệ nhỏ (6 - 7%) tổng lượng kiều hối, nhưng đang gia tăng theo đà gia tăng nhanh của xuất khẩu lao động sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong khi đó, theo thông tin được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đưa ra, trong 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước tăng từ 10% -15%/năm; năm 2017 là 13,8 tỷ USD (theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới), con số này trong năm 2018 là 15,9 tỷ USD, chiếm 6,6% GDP cả nước. Tuy nhiên, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM thì lượng kiều hối năm 2018 đổ về Tp.HCM đạt 5 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối đổ về Việt Nam. Điều này cho thấy, có sự mâu thuẫn về các số liệu công bố.

Bình luận về con số 5 tỷ USD kiều hối đổ về Tp.HCM, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM: "Con số này chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam. Đây là điều rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi sau động thái tăng liên tục lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều nền kinh tế khác cũng có xu hướng thắt chặt lại tiền tệ. Đó là chưa kể, lãi suất USD tại Việt Nam đã giảm về 0% từ 2 năm nay".

Về cách thức kiều hối chuyển về Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Nam cho biết: hiện kiều hối chuyển về Việt Nam được thực hiện qua 4 kênh: hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế, hải quan và bưu điện. Kênh chuyển tiền phổ biến nhất là qua hệ thống ngân hàng thương mại với mạng lưới rộng khắp, dịch vụ hiện đại an toàn với các giao dịch giá trị lớn, đạt khoảng 72,6% doanh số kiều hối chuyển về nước (phần còn lại có thể đi qua các kênh chuyển không chính thức).

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng, có tiềm lực lớn về kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như tri thức. Số chuyên gia, tri thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức 300 lượt/năm; trong đó chưa bao gồm số người về nước dự hội nghị, hội thảo, và các đoàn trao đổi ngắn hạn.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết thêm, năm 2019, thành phố sẽ khơi thông nguồn lực, thu hút mạnh nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Đồng thời Tp.HCM sẽ thành lập Quỹ Phát triển dự án (PDF) và Quỹ Bù đắp tài chính (VGF).