11:03 26/09/2012

Nâng mức khởi điểm chịu thuế: Vừa đồng ý vừa…lo

Nguyên Vũ

Cơ quan thẩm tra lo ngại việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước

Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng được Chính phủ nhấn mạnh là “vừa đạt mục tiêu giảm động viên vừa hướng được vào đối tượng khó khăn, vừa có ý nghĩa xã hội, thể hiện sự chia sẻ của nhà nước với nhân dân”.
Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng được Chính phủ nhấn mạnh là “vừa đạt mục tiêu giảm động viên vừa hướng được vào đối tượng khó khăn, vừa có ý nghĩa xã hội, thể hiện sự chia sẻ của nhà nước với nhân dân”.
Chính phủ đã có tờ trình mới và Thường trực cơ quan thẩm tra cũng đã thảo luận lại về một số nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư tới đây.

Sau tranh cãi “nảy lửa” về mức giảm trừ gia cảnh tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nâng cao tính thuyết phục về cơ sở mức giảm trừ gia cảnh khi trình ra Quốc hội.

Ở tờ trình ngày 22/9/2012, Chính phủ vẫn kiên trì đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Theo Chính phủ, mức giảm trừ 9 triệu đồng/tháng tương đương 2,5 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2014, bảo đảm tỷ lệ tương quan như khi luật có hiệu lực thi hành năm 2009. Mức này cũng đảm bảo cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm năm 2014 và các năm sau.

Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng được Chính phủ nhấn mạnh là “vừa đạt mục tiêu giảm động viên vừa hướng được vào đối tượng khó khăn, vừa có ý nghĩa xã hội, thể hiện sự chia sẻ của nhà nước với nhân dân”.

Rất đáng chú ý là tại tờ trình này, dòng chữ “việc sửa đổi không làm ảnh hưởng đến lớn đến số thu ngân sách nhà nước” đã không còn xuất hiện ở phần quan điểm, mục tiêu, yêu cầu xây dựng dự án luật như tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 11 vừa qua nữa.

Trong khi đó, tại phiên họp mở rộng ngày 25/9, dòng chữ này vẫn được gạch chân và in nghiêng ở dự thảo báo cáo thẩm tra về dự án luật của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Dẫn lại chính những con số được nêu tại tờ trình của Chính phủ là việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ dẫn đến giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu cả năm 2014 khoảng 1/3 số thuế phải nộp (ước bằng 13.350 tỷ đồng), những năm sau vẫn tiếp tục giảm thu, cơ quan thẩm tra cho rằng “như vậy là không đạt được mục tiêu bảo đảm không làm ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách nhà nước”.

Vẫn liên quan đến “hệ lụy” của việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng áp dụng mức này sẽ có khoảng 2,6 triệu người đang nộp thuế hiện nay chuyển sang diện không phải nộp thuế. Như vậy, sẽ không thực hiện được mục tiêu mà Quốc hội khóa 12 đã đề ra là từng bước mở rộng diện chịu thuế.

Bản dự thảo báo cáo cũng cho hay, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban đã thảo luận lại và cho rằng, trong bối cảnh kinh tế diễn biến có nhiều khó khăn, tác động không thuận đến đời sống của người dân, một số khoản chi phí về dịch vụ trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa tăng cao thì việc xem xét, điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết. Do vậy, Thường trực Ủy ban nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với người dân.

Tuy nhiên, Thường trực cơ quan thẩm tra vẫn giữ quan điểm, việc này là chậm lại một bước trong tiến trình thực hiện thuế thu nhập cá nhân và sẽ không đạt được mục tiêu khi nâng Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao lên thành Luật Thuế thu nhập cá nhân là từng bước mở rộng đối tượng chịu thuế, dần đưa thuế thu nhập cá nhân trở về đúng bản chất, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tham dự phiên họp chiều 25/9 hôm qua, một số vị ủy viên không chuyên trách của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, dù nghiêng về phương án được Chính phủ trình, song vẫn rất chia sẻ với những mối quan ngại đã được Thường trực Ủy ban nêu ra.

Quyền quyết định cao nhất vẫn thuộc về Quốc hội, và có thể sẽ còn nhiều tranh luận mới đi đến thống nhất, một vị đại biểu là thành viên Ủy ban nói.