09:51 25/10/2007

Nên đầu tư vào ngoại tệ "lạ”?

Tỉ giá USD/VND vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Trong khi đó, các ngoại tệ "lạ” khác vẫn trên đà tăng giá mạnh so với VND

Đôla Canada, một ngoại tệ lạ.
Đôla Canada, một ngoại tệ lạ.
Tỉ giá USD/VND vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Trong khi đó, các ngoại tệ "lạ” khác vẫn trên đà tăng giá mạnh so với VND. Người nắm giữ ngoại tệ "lạ” - các đồng ngoại tệ không phải là USD - lại trúng lớn so với giữ USD.

Thế nhưng, trên thực tế, người dân vẫn thờ ơ với ngoại tệ "lạ”.

Giá ngoại tệ "lạ” tăng… 22%

Ngày 24-10, giá mua vào - bán ra USD của các ngân hàng thương mại được ấn định ở mức 16.083 đồng. Giá USD đang chạy theo hàng ngang kể từ đầu tháng mười, mỗi ngày chỉ trồi sụt 1-2 đồng.

Sau khi có thông tin ngân hàng Nhà nước sẽ giữ mục tiêu mất giá của tiền đồng so với USD từ 1% giảm xuống 0,5% với mục đích hỗ trợ xuất khẩu đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát, các ngân hàng thương mại lập tức đưa ra dự đoán rằng tỉ giá USD/VND sẽ được giao dịch ở mức 16.100-16.150 đồng từ đây đến cuối năm.

Sự lên giá của VND so với USD và vàng được củng cố hơn khi đồng USD suy yếu do kết quả kinh doanh yếu kém trong quí ba của các công ty tại Mỹ. Các đồng ngoại tệ chính khác như đồng euro (EUR), bảng Anh (GBP), đôla Canada (CAD), đôla Úc (AUD) trên thị trường thế giới cũng ở trong xu hướng này.

Theo các ngân hàng, ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu mua vào một lượng nhỏ USD từ các ngân hàng thương mại so với thái độ im lặng trước đây trước tình hình dư thừa đồng đôla trên thị trường. Tuy nhiên, tổng lượng USD ngân hàng Nhà nước mua vào từ thị trường được ước tính chỉ bằng 10% số thực tế mà các ngân hàng thương mại đã đăng ký bán với ngân hàng Nhà nước.

Do đó, các ngân hàng thương mại tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu bán USD để lấy tiền đồng của khách hàng, nhất là khi luồng vốn USD tiếp tục đổ vào thị trường đều đặn khi nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư vẫn duy trì ở mức ổn định.

Tại thị trường VN, giá các loại ngoại tệ "lạ” này cũng tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay. Dẫn đầu nhóm này là đồng CAD với mức tăng ngoạn mục nhất, gần 22%, từ mức 13.700 đồng đầu tháng hai lên 16.704 đồng hiện nay, cao hơn cả giá USD. Kế đến là đồng AUD tăng 16% (từ 12.484 đồng lên 14.491 đồng), đồng EUR tăng gần 10% (từ 20.960 đồng lên 23.016 đồng), đồng GBP tăng 4,7% (từ 31.610 đồng lên 33.104 đồng).

Thờ ơ với ngoại tệ "lạ”

Theo các công ty kiều hối, trong một năm tỉ giá chuyển đổi của các ngoại tệ "lạ” sang tiền đồng thường rơi xuống mức thấp nhất vào thời điểm trước tết âm lịch, khi luồng kiều hối chuyển về VN tăng gấp đôi so với những tháng bình thường. Đối với kiều hối, tiền USD vẫn chiếm phần lớn, trên 80%, số còn lại chủ yếu là đồng AUD, CAD, EUR và GBP.

Giám đốc một công ty kiều hối cho biết thường người dân rút ra toàn bộ số lượng tiền chuyển về, và rút nguyên tệ nếu tiền gửi về là USD. Còn với các đồng tiền khác thường được chuyển sang tiền đồng. "Người rút tiền thường không thích giữ các loại tiền "lạ”, nếu thấy tỉ giá ngân hàng vừa phải so với thị trường tự do là họ lập tức đổi ngay" - ông cho biết.

Một chuyên gia ngoại hối cho biết người dân chỉ chuộng "USD" do biết trước tỉ giá này không tăng giảm quá nhiều vì được "đảm bảo" bởi ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, giá các ngoại tệ "lạ” phụ thuộc hoàn toàn thị trường thế giới, rủi ro cao hơn.

Do đó, mặc dù ngoại tệ "lạ” tăng giá vùn vụt, người dân vẫn tỏ ra thờ ơ và không xem đây là kênh đầu tư. Ngoài ra, việc các ngân hàng hạn chế số loại ngoại tệ gửi tiết kiệm cũng khiến người dân ngần ngại giữ "lạ”.

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng chỉ nhận gửi tiết kiệm bằng USD và EUR, riêng Vietcombank nhận thêm đồng GBP và franc Thụy Sĩ (CHF), trong đó lãi suất cho các ngoại tệ "lạ” cực thấp so với USD. Chẳng hạn, nếu gửi USD kỳ hạn ba tháng thì được lãi suất đến 4,5%/năm, trong khi gửi GBP chỉ được 2,4%/năm, gửi EUR chỉ được 1,95%/năm, và gửi CHF chỉ được 0,25%/năm.