14:25 28/12/2007

Ngân hàng 2007: “Nóng” và “lạnh”

Nói về những chuyển biến của ngành ngân hàng trong năm đầu tiên sau khi gia nhập WTO, có thể phân ra hai loại: nóng và lạnh

Chưa bao giờ vấn đề nhân sự cho lĩnh vực tài chính ngân hàng lại nóng, đúng ra là “sốt”, như hiện nay.
Chưa bao giờ vấn đề nhân sự cho lĩnh vực tài chính ngân hàng lại nóng, đúng ra là “sốt”, như hiện nay.
Bài viết của các tác giả Hồ Quốc Tuấn và Võ Hoàng Chương.

Nói về những chuyển biến của ngành ngân hàng trong năm đầu tiên sau khi gia nhập WTO, có thể phân ra hai loại: nóng và lạnh.

Ngành “hot”: Lợi nhuận vẫn cao

Ngân hàng, sau một năm vào WTO, vẫn giữ nguyên “phong độ”, vẫn là một lĩnh vực nóng, đem lại lợi nhuận cao và đang thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.

Nhiều ngân hàng vào khoảng cuối tháng 10, tháng 11 đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, bất chấp những khó khăn từ “Chỉ thị 03”. Tín hiệu đáng mừng là nhiều ngân hàng đã nâng tỷ lệ lợi nhuận từ mảng dịch vụ lên 30%.

“Nóng” chuyện IPO, niêm yết

Cứ nhìn cách người ta quan tâm đến chuyện IPO của Vietcombank tới mức có người bảo là “đáng quan tâm hơn lạm phát” thì chúng ta cũng hiểu tình hình IPO và niêm yết trong ngành ngân hàng đáng quan tâm như thế nào. Năm nay càng về cuối năm, càng nhiều ngân hàng cổ phần phát hành cổ phiếu mới, đến mức nhiều người cho rằng mức độ pha loãng giá cổ phiếu của ngành này đã trở nên quá cao.

Mặt khác, một ngân hàng thương mại quốc doanh khác là Incombank cũng thông báo kế hoạch cổ phần hóa và IPO vào cuối năm nay và đầu năm sau. Có thể nói, càng về cuối năm, bức tranh IPO, niêm yết, phát hành mới của ngành ngân hàng càng sinh động, nhiều màu sắc, mà có lẽ chủ đạo là màu “nóng”.

Một phần nguyên nhân của gam màu nóng này là do tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt nên các ngân hàng phải nâng cao năng lực quản lý, năng lực tài chính, để duy trì và mở rộng hoạt động, đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận cho năm tới.

Nhiều ngân hàng mới - cạnh tranh gay gắt

Cái “nóng” thứ ba của ngành ngân hàng năm nay là nhìn ở khía cạnh sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, trận tuyến chủ yếu năm nay không phải ở phía ngân hàng nước ngoài với ngân hàng trong nước như có người lo ngại từ năm ngoái, mà chính là từ phía các ngân hàng trong nước với nhau, cụ thể là khối ngoài quốc doanh.

Trong cuộc cạnh tranh năm nay, có vẻ càng về cuối, khối ngân hàng thương mại nhà nước càng mất thị phần, khối ngân hàng nước ngoài chưa có những bước đột phá mạnh như nhiều người dự đoán, còn khối ngân hàng thương mại cổ phần đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần cao hơn, chiếm khoảng 26% dư nợ toàn hệ thống tính đến khoảng giữa quí 4.

Ở khía cạnh “chìm” hơn của cuộc cạnh tranh, điểm đáng chú ý là năm nay khối ngân hàng thương mại cổ phần đón nhận sự gia nhập của nhiều ngân hàng mới với tiềm lực tài chính mạnh, do các tập đoàn, công ty lớn liên minh thành lập.

Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần và quốc doanh sẽ mất đi một lượng khách hàng quan trọng, và nhiều nhân sự chủ chốt của các ngân hàng này cũng sẽ bị thu hút đi sang ngân hàng mới.

Như vậy, thực chất, cái “nóng” của cuộc cạnh tranh năm nay trong lĩnh vực ngân hàng chỉ mới là “khúc dạo đầu”, sẽ còn kéo dài rất lâu và dự kiến còn tăng lên rất nhiều trong năm sau.

Một phần chìm nữa là cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài. Năm nay, từ số liệu về thị phần, lợi nhuận, sản phẩm, người ta chưa thấy rõ một sức ép cạnh tranh mạnh mẽ như nhiều người dự đoán từ năm ngoái.

Nhưng thực tế, nếu nhìn vào những gì mà các tên tuổi đã nhiều năm ở Việt Nam tiêu biểu như HSBC, Citibank và ANZ đang và sẽ làm, bao gồm tham gia cạnh tranh cho vay nhà đất, Citibank thiết lập mạng lưới thanh toán qua Công ty Dịch vụ tiết kiệm bưu điện hay ANZ dự kiến mở hơn 10 chi nhánh trong năm 2008 thì ta cũng thấy, khối ngân hàng nước ngoài, sau một năm Việt Nam vào WTO, chỉ mới đi những bước chuẩn bị âm thầm mà mạnh mẽ.

Năm đầu tiên sau WTO, trong cái nhìn của họ, có lẽ, chỉ mới là bước chuẩn bị. Sự cạnh tranh mạnh mẽ mà chúng ta chờ đợi, có lẽ sẽ đến, có thể không “khủng khiếp” như nhiều người sợ, nhưng sẽ không dễ dàng.

“Sốt” nhân sự

Chưa bao giờ vấn đề nhân sự cho lĩnh vực tài chính ngân hàng lại nóng, đúng ra là “sốt”, như hiện nay. Cái nóng này phần nào bị thúc đẩy bởi cái nóng về cạnh tranh, và chủ yếu mang tính chất tiêu cực vì nó bộc lộ sự thiếu chuẩn bị của ngành ngân hàng cho một sự phát triển mang tính bùng nổ.

Sự xuất hiện của các ngân hàng mới cùng với sự phát triển và mở rộng mạnh mẽ của các ngân hàng trong và ngoài nước đã tạo ra một bước nhảy vọt về nhu cầu nhân sự (cả cấp cao và cấp thấp).

Trong khi đó, nguồn cung về nhân sự vẫn chưa có sự phát triển đáng kể nào cả về chất và lượng. Theo quy luật kinh tế thông thường, khi cầu vượt quá cung thì sẽ đẩy giá cao lên nhằm làm giảm cầu để cân bằng thị trường nhưng đằng này “giá” của nhân sự trong lĩnh vực này mặc dù đã tăng lên nhưng cầu vẫn không hề giảm.

Nhiều ngân hàng đã nâng mức lương và đưa ra những chế độ đãi ngộ hấp dẫn như được mua cổ phiếu với giá ưu đãi nhằm thu hút nhân lực, “chiêu dụ” nhân tài từ ngân hàng khác, “lấn sân” sang cả những sinh viên tốt nghiệp ở các chuyên ngành khác nhưng vẫn không đủ nhu cầu.

Điều này dẫn đến một cuộc chiến giành giật nhân sự giữa các ngân hàng, một điều không hề tốt cho hệ thống ngân hàng nói chung. Nên nhớ rằng, để vận hành tốt một ngân hàng, cần phải tốn không ít thời gian và chi phí đào tạo đội ngũ nhân viên, nếu nhân viên cứ “người đi, kẻ đến” thì làm sao ngân hàng phát triển. Nhiều ngân hàng đơn lẻ không ổn định, thì hệ thống sẽ ra sao?

“Lạnh” mới đáng lo

Cái “lạnh” thứ nhất là về sản phẩm ngân hàng. Một năm sau WTO, chúng ta dường như không cảm nhận được một đột phá nào về sản phẩm ngân hàng, quanh đi quẩn lại vẫn là những cải tiến cho những sản phẩm đã có.

Những sản phẩm tài chính cá nhân phổ biến ở các nước khác, kết hợp những biến động từ đầu tư, giá cả vào sản phẩm ngân hàng truyền thống như sản phẩm phức hợp (structured products), hợp đồng hưởng chênh lệch (CFD)... đều không có, còn sản phẩm phái sinh thì chả thấy phát triển gì.

Nếu cho rằng tại những cái đó cao cấp quá, mình không phát triển được, thì e rằng không hợp lý. Những cái này nước người ta phát triển đã nhiều năm, nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore đều có, mình không có, nghĩa là mình đi sau quá lâu, và còn đang... muốn tiếp tục đi sau.

Ngay cả những sản phẩm phục vụ thanh toán thương mại điện tử, và những thanh toán thông thường cũng chưa có gì đột phá. So với mức độ nóng của nền kinh tế, thì những con số về tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng, dịch vụ thanh toán thẻ, tiện ích hỗ trợ giao dịch điện tử... dường như chưa tương xứng.

Một minh chứng nữa của việc chậm trễ và thiếu nhạy bén là trong giai đoạn vàng tăng giá, dường như chỉ có ACB đưa ra sản phẩm mới để thích ứng với tình hình. Các ngân hàng khác, kể cả nhiều ngân hàng có tiềm lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vàng và ngoại tệ, tỏ ra quá thận trọng và thụ động trong việc thiết kế sản phẩm mới.

“Lạnh” thứ hai là về khía cạnh pháp lý để quản lý ngành ngân hàng. Đã có nhiều bài báo công khai chỉ rõ cái hạn chế của việc dùng “nghị định thay luật”, dùng “giấy phép con” dưới dạng các quyết định, chỉ thị trong quản lý ngành ngân hàng.

Đó là chưa kể cách chúng ta quản lý ngành ngân hàng theo kiểu “một cho tất cả”, bất kể ngân hàng tiềm lực mạnh, yếu, năng lực quản trị rủi ro, lợi nhuận thế nào. Tình hình như vậy cho thấy chúng ta lúng túng và đi sau diễn biến thị trường khá xa trong quản lý. Điều này là hết sức nguy hiểm đối với ngành ngân hàng, một lĩnh vực nhạy cảm và rủi ro.

Bốn điểm nóng, hai điểm lạnh, có vẻ như ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang phát triển thuận lợi, nhưng lại hàm chứa nhiều sóng ngầm. Khi nào mà nhiều mặt “lạnh” hơn xuất hiện, và những cái “nóng” trở nên tiêu cực hơn, thì đó là lúc ngành ngân hàng nảy sinh vấn đề nghiêm trọng. Hy vọng chúng ta biết lo từ bây giờ để tránh trường hợp đó.

Chưa bao giờ vấn đề nhân sự cho lĩnh vực tài chính ngân hàng lại nóng, đúng ra là "sốt", như hiện nay. Cái nóng này phần nào bị thúc đẩy bởi cái nóng về cạnh tranh, và chủ yếu mang tính chất tiêu cực vì nó bộc lộ sự thiếu chuẩn bị của ngành ngân hàng cho một sự phát triển mang tính bùng nổ.