21:07 13/11/2018

Ngân hàng trung ương Nhật đang nắm lượng tài sản lớn hơn cả GDP

Diệp Vũ

Chương trình mua tài sản với quy mô khổng lồ để bơm tiền vào nền kinh tế đã đưa vào một tình huống chưa từng có tiền lệ

Tỷ lệ tài sản trong tay BoJ so với GDP là quá "khủng" nếu so với tỷ lệ tương ứng của một số ngân hàng trung ương lớn khác - Ảnh: Getty/MarketWatch.
Tỷ lệ tài sản trong tay BoJ so với GDP là quá "khủng" nếu so với tỷ lệ tương ứng của một số ngân hàng trung ương lớn khác - Ảnh: Getty/MarketWatch.

Chương trình mua tài sản với quy mô khổng lồ để bơm tiền vào nền kinh tế đã đưa Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vào một tình huống chưa từng có tiền lệ: khối tài sản mà BoJ đang nắm giữ lớn hơn cả tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu công bố ngày 13/11 cho biết lượng tài sản trong bảng cân đối kế toán của BoJ hiện ở mức 553,6 nghìn tỷ Yên, tương đương 4,9 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, GDP danh nghĩa của Nhật Bản ở thời điểm cuối tháng 6 là 552,8 nghìn tỷ Yên.

Theo dự báo, kinh tế Nhật suy giảm trong quý 3 vừa qua, và nếu đúng như vậy thì khoảng cách nói trên sẽ bị kéo giãn thêm.

Tỷ lệ tài sản trong tay BoJ so với GDP là quá "khủng" nếu so với tỷ lệ tương ứng của một số ngân hàng trung ương lớn khác. Chẳng hạn, lượng tài sản mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang nắm giữ chỉ tương đương khoảng 20% GDP Mỹ. Lượng tài sản trong tay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tương đương khoảng 40% GDP khu vực Eurozone.

Gần đây, BoJ đã thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản, cụ thể là mua trái phiếu chính phủ Nhật (JGB), nhưng lượng tài sản mà ngân hàng trung ương này nắm giữ vẫn không ngừng tăng lên.

Với tỷ lệ lạm phát ở Nhật mới chỉ đạt khoảng một nửa so với mục tiêu 2% mà BoJ và Chính phủ Nhật đề ra, việc mua tài sản được dự báo sẽ tiếp tục trong tương lai gần, dù tốc độ mua có giảm xuống.

Chính phủ Nhật hiện đang có kế hoạch tăng thuế tiêu thụ vào tháng 10 năm sau, chưa kể nhu cầu trong nước chững lại do công tác xây dựng chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo 2020 đã dần hoàn tất, đồng nghĩa với BoJ chịu sức ép phải tiếp tục mua tài sản để giữ cho nền kinh tế tăng trưởng.

"Không có một lý thuyết chung nào về việc một ngân hàng trung ương lớn có thể nắm giữ bao nhiêu tài sản để không rơi vào tình thế nguy hiểm", chuyên gia kinh tế trưởng Nobuyasu Atago thuộc Okasan Securities nhận định. "Có một cảm giác bất an mơ hồ về lượng tài sản ngày càng lớn trong tay BoJ, nhưng không thể biết khối tài sản đó nên lớn đến mức nào thì phải dừng lại".

Ông Masamichi Adachi, chuyên gia kinh tế thuộc JPMorgan Chase và là một cựu quan chức BoJ thì nói rằng so với Mỹ và châu Âu, Nhật Bản cần nỗ lực nhiều hơn để kích thích lạm phát, và chỉ riêng chính sách tiền tệ sẽ là không đủ. "BoJ sẽ phải tiếp tục hành trình đơn độc của mình trong việc gia tăng bảng cân đối kế toán để giữ lãi suất ở mức thấp", ông Adachi nói.

Chương trình mua tài sản quy mô lớn của BoJ đã dẫn tới những thay đổi lớn trên thị trường trái phiếu chính phủ Nhật. Cả khối lượng giao dịch và mức độ biến động giá đều giảm mạnh. Bên cạnh đó, mức lãi suất giảm xuống siêu thấp thấp đang bóp nghẹt tỷ suất lợi nhuận mà các ngân hàng thương mại Nhật Bản có được thông qua việc cho vay vốn.