Nghìn lẻ một chuyện đèn xe

Đức Thọ
Chuyện sử dụng những chiếc đèn xe như thế nào khi tham gia giao thông xem ra không hề đơn giản
Không phải ngẫu nhiên mà chiếc xe nào, kể cả ôtô hay xe máy, cũng đều được trang bị đủ cả đèn pha có chức năng chiếu sáng xa với cường độ ánh sáng lớn và đèn cốt có chức năng chiếu sáng gần.
Không phải ngẫu nhiên mà chiếc xe nào, kể cả ôtô hay xe máy, cũng đều được trang bị đủ cả đèn pha có chức năng chiếu sáng xa với cường độ ánh sáng lớn và đèn cốt có chức năng chiếu sáng gần.
Bên cạnh những phiền toái về văn hóa sử dụng còi xe, chuyện sử dụng những chiếc đèn xe như thế nào khi tham gia giao thông nếu gom hết vào chắc cũng dư sức tạo nên một bộ tiểu thuyết nghìn lẻ.

Hóa ra việc lái xe trên đường không đơn giản chỉ là điều khiển phương tiện mà còn chứa trong đó đủ thứ quy tắc, nhận thức và cả văn hóa nữa.

Khổ vì vị trí đẹp

Với đa số người dân Việt Nam, các hoạt động kinh doanh nhỏ vẫn đang là “nghề” chính và đem lại nguồn thu chính nên nhà hay cửa hàng mặt đường hoặc thậm chí nằm ở những khu vực ngã ba, ngã tư luôn được coi là đắc địa. Vậy nhưng, cùng với ưu thế thuận tiện thông thương, thì những người dân này cũng thường bị đẩy vào trạng thái tâm lý bực bội, căng thẳng bởi những tiếng còi xe, những ánh đèn xe sử dụng không đúng nơi, đúng lúc.

Báp báp. Ngay sau tiếng còi xe máy chát chúa kêu lên là tiếng trẻ con khóc, kế tiếp là tiếng quát tháo của một người phụ nữ dành cho kẻ vô duyên nào đó vừa bấm còi lúc nửa đêm ngay trước cửa nhà. Người phụ nữ nhanh chóng mở cửa ngó theo bóng kẻ “tội đồ” vừa đột ngột đánh thức đứa trẻ vốn đang say giấc nồng và buông tiếng thở dài: "Vô ý thức!".

Lẽ thường, khi tham gia giao thông gặp các ngã rẽ bị che khuất tầm nhìn người chủ phương tiện phải ra tín hiệu để người đi chiều ngược lại (nếu có) được biết. Cách thông báo thông thường là bấm còi, nhưng nếu là trong bối cảnh đêm tối thì việc sử dụng còi vừa không đem lại nhiều hiệu quả, vừa gây nên những phiền toái. Trong trường hợp đó, sử dụng cách nháy đèn pha xe 1-2 lần là hiệu quả nhất mà lại không gây ô nhiễm tiếng ồn.

Quan sát kỹ có thể thấy rõ được ba kiểu ứng xử thường gặp nhất khi gặp các ngã rẽ của đa số người tham giao thông. Trong đó rất nhiều người, đặc biệt là lớp thanh thiếu niên, không hề sử dụng các thiết bị chức năng của xe như đèn hay còi để thông báo cho chiều giao thông khác mà cứ nghiễm nhiên đường ta ta đi. Một số khác thì có thói quen bấm còi thật mạnh, thật lâu cho dù lúc đó đang là nửa đêm.

Ở phần còn lại, cũng có không ít người biết cách sử dụng đèn để thông báo. Đáng tiếc là nhòm đối tượng thứ nhất đang chiếm số lượng áp đảo.

Ôi, đèn pha

Không phải ngẫu nhiên mà chiếc xe nào, kể cả ôtô hay xe máy, cũng đều được trang bị đủ cả đèn pha có chức năng chiếu sáng xa với cường độ ánh sáng lớn và đèn cốt có chức năng chiếu sáng gần. Ấy vậy mà đối với rất nhiều người, việc sử dụng hai loại đèn đó khi nào và ở đâu có lẽ vẫn cần phải mở một lớp học bài bản e mới cải thiện được tình hình.

Số là các bác nhà ta hễ cứ lao ra đường là giương đèn pha tướng lên, chẳng cần biết đó là đường lớn, đường nhỏ, đường nội thị hay quốc lộ, xa lộ. Và cũng từ cái đèn pha mà đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện trên đường, lớn có, nhỏ có.

Trời đổ mưa, mặt đường ướt nhẹp, những ổ gà ổ trâu vũng vĩnh nước vốn đã quá khó khăn đối với việc đi lại. Một nhóm học sinh đi học tối về thỉnh thoảng lại phải nháo nhác tìm vệ đường mà khép nép, đôi lúc mắt rơi vào trạng thái mù lâm sàng, lao vào nhau chí chóe, có em bị úp mặt xuống ổ gà đầy nước, ho sặc sụa. Chuyện cũng chỉ vì cái đèn pha xanh lè lè hay sáng trắng của mấy cậu thanh niên chay xe tay ga SH, Dylan, Piaggio… Trường hợp này thật không biết xử trí ra sao, mắng chẳng được, chửi không xong mà trò đánh đấm thì người tử tế nào cũng phải xin kiếu. Thôi thì đành nghiến răng mà chịu lấy vậy.

Bị đèn pha rọi thẳng vào mặt quả là không thể không tức, không giận. Nháy vài lần xin hạ đèn xuống không được, có nhiều bác điên tiết lên liền ghếch đèn trừng phạt lại, miệng thì lẩm bẩm “để xem mèo nào cắn mỉu nào”. Mà đèn của các bác ấy cũng chẳng thua kém, có bác chạy xe hơi thậm chí đã độ thêm được một dàn đèn công suất lớn. Dĩ nhiên là các bác ấy thắng, nhưng những chuyện xảy ra sau đó thì chắc ai cũng có thể tưởng tượng ra, dù là kẻ trừng phạt hay bị trừng phạt gặp tai họa.

Cứ thích dùng đèn pha là thế, nhưng đã chắc gì các bác ấy biết chức năng của cái đèn là gì. Lúc cần bật cốt thì chả bật, cứ rọi pha ra tít tận đâu để rồi lao luôn bánh xe lên cái bàn đinh ngay trước mặt, coi như tự chuốc vạ vào thân bởi cái tội ương ngạnh, dốt nát.

Đèn độ đấy!

Thỉnh thoảng bắt gặp mấy bác xe hơi có dàn đèn độ đẹp đến mê hồn, lòng thầm thán phục. Nhưng cũng có vài bận chạy ngược chiều với các bác ấy, bị các bác ấy rọi cho lòa đi, mắt nhòe nhoẹt nước thì lại thấy băn khoăn về chuyện độ đèn, chơi đèn.

Cũng may là các bác chơi đèn xe hơi đa số đều thuộc diện có ý thức biết dùng đúng lúc đúng chỗ chứ độ đèn như mấy cậu choai choai chạy xe máy thì quả thực không giận nào trút cho kiệt. 18 giờ tối ở ngã 5 Xã Đàn - Ô Chợ Dừa (Hà Nội), đường tắc nghẹt, đèn đường buộc phải nhường quyền điều khiển giao thông cho cảnh sát. Dừng xe lâu, có hai chú bé độ 17 tuổi gì đó cưỡi chiếc Yamaha Nouvo cứ nhá phanh liên tục.

Khốn khổ khốn nạn là cái đèn phanh của các chú lại là đèn độ, nhựa trong suốt, ánh sáng trắng làm chói lòa khu vực phía sau. Và rồi “bộp”, như một lẽ tất yếu, chiếc đèn phanh vỡ tan rơi loảng xoảng. Vừa dứt câu chửi thề, hai yêng hùng xa lộ liền im bắt khi trước mặt mình là một vóc dáng không dễ bị bắt nạt. Người đàn ông trung niên mặt áo ba lỗ để lộ bờ vai và cánh tay cuồn cuộn xăm trổ rồng cuộn hổ ngồi định giơ chân đạp thêm cái nữa. Nếu là thường lệ thì hành động đầu gấu này sẽ bị lên án, nhưng trong trường hợp này hẳn có không ít người thầm cảm ơn.

Vặt vãnh xi-nhan

Hẳn là với không ít người, chiếc đèn xi-nhan chỉ là bộ phận thừa thãi của chiếc xe mà thôi. Bởi với họ, đèn xi-nhan chả có tác dụng gì cả. Các bác rẽ các bác bật chứ em thì cứ rẽ luôn, các bác sợ thì tránh, em chả sợ. Lại có những chị không hiểu là chủ đích bật xi-nhan hay vô tình gạt tay vào mà cứ bật mãi, đến lúc rẽ phải vẫn để đèn xi-nhan trái, đến lúc rẽ trái vẫn để đèn xi-nhan phải.

Mà cái tội xi-nhan ngược lắm lúc phiền toái đến tai họa. Chả là có bận một quý cô bật xi-nhan rồi rẽ một mạch vào trong ngõ. Rầm, cả hai ôm sát mặt đường. Không biết thần dược nào đã giúp quý cô ấy và người đàn ông đâm xe quên ngay đau đớn để đứng dậy… cãi nhau. Hóa ra quý cô vẫn nghĩ mình đúng vì “rõ ràng em đã bật đèn xin đường rồi, mắt mũi anh để trên giời à? Đèn em vẫn sáng kia kìa”. Dứt lời nhìn xuống xe quý cô mới vỡ lẽ là mình xin đường ngược.

Cũng vì cái đèn xi-nhan chỉ là vặt vãnh nên mới xảy đến những chuyện cãi vã, chửi bới đánh lộn. Về quy tắc giao thông, nếu xe phía trước đang bật đèn xi-nhan trái đồng nghĩa xe phía sau chưa được phép vượt. Vậy nên có những khi cả một đoạn đường dài đầy xe xếp hàng đi chầm chậm chỉ vì phía trước có chiếc xe vẫn sáng đèn xi-nhan. Đoàn xe phía sau thì sốt ruột, bực bội, gã lái xe phía trước thì cứ ung dung nói chuyện, thỉnh thoảng còn quay sang “thơm” người tình một cái. Ức chế vì đi cũng dở ở cũng chẳng xong, một bác tài xe già vọt lên trước rồi dừng xe chặn ngay trước mặt. Và chuyện sau đó chắc ai cũng có thể mường tượng.

Vậy đấy, cứ nghĩ chuyện về những cái đèn xe chỉ là vặt vãnh nhưng thực chất nó lại có vai trò đặc biệt quan trọng khi tham gia giao thông, vừa đem lại hiệu quả, vừa thể hiện hiểu biết và văn hóa của người lái xe. Cứ ngẫm nếu ai đó bị phạt vài lần vì quên bật đèn xi-nhan khi chuyển làn đường, vì bật đèn sai quy tắc, vì quên bật đèn khi lưu thông trong đêm tối hay bị “tẩn” vì tội gây gổ bằng đèn thì chắc sẽ dần coi trọng vai trò của đèn, dần xây dựng cho mình được văn hóa lái xe.

Tin mới

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.