14:53 07/03/2011

Nhập siêu với Trung Quốc: “Còn đang bí!”

Anh Quân

“Gần đây có vấn đề gắt gao là nhập siêu từ Trung Quốc. Tôi nghĩ là đã đến lúc phải theo dõi chặt chẽ việc này hàng tháng”

Năm 2010, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Năm 2010, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
“Gần đây có vấn đề gắt gao là nhập siêu từ Trung Quốc. Tôi nghĩ là đã đến lúc phải theo dõi chặt chẽ việc này hàng tháng”, một chuyên gia đến từ Viện Chiến lược chính sách (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tham dự hội nghị giao sản xuất cuối tháng 2/2011 lưu ý. 

Mấy năm trở lại đây, nhập siêu với Trung Quốc luôn xấp xỉ bằng tổng nhập siêu của Việt Nam, dẫn tới mất cân bằng cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể. Những xáo trộn trên thị trường tiền tệ, những bất ổn vĩ mô có đóng góp một phần từ mức chênh lệch thương mại lớn với đối tác láng giềng này.

Bất lợi từ nhập siêu lớn

Năm 2010, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với 5 đối tác thương mại lớn nhất có sự hiện diện hàng đầu của Trung Quốc. Khu vực ASEAN xếp thứ hai, tiếp đến mới là Mỹ, EU và Nhật Bản.

Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 157 tỷ USD của Việt Nam trong năm 2010, Trung Quốc đạt 27,33 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 17,4%, tăng thêm khoảng 3,1% so với con số 14,26% năm 2007.

Điều đáng chú ý là kể từ năm 2007, trong số 5 đối tác thương mại chính kể trên, Trung Quốc là đối tác duy nhất duy trì được đà tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều với Việt Nam, trong các đối tác khác “chùng xuống” trước tác động của khủng hoảng tài chính thế giới các năm 2008, 2009.

Khả năng đáp ứng mọi yêu cầu về hàng hóa nhanh chóng, tiện lợi với giá cả hợp lý đang khiến nhiều nhà nhập khẩu Việt Nam chuyển hướng quan hệ thương mại về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra những xáo trộn lớn.

Đến cuối năm 2010, Trung Quốc chiếm kim ngạch lớn nhất trong các quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu vào Việt Nam, ngược lại, nước láng giềng chỉ đứng vị trí thứ 5 về nhập khẩu từ Việt Nam, xếp sau Mỹ, EU, ASEAN và Nhật Bản. Việt Nam xuất siêu trên 15 tỷ USD sang Mỹ và EU năm 2010, trong khi nhập siêu gần 13 tỷ USD với Trung Quốc

Một khía cạnh khác: thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là những khu vực trong thời gian qua có độ ổn định kinh tế, thương mại không cao; trong khi nhập khẩu lớn với Trung Quốc hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ nguồn. “Ai cũng biết là giảm nhập khẩu từ Trung Quốc là giảm được công nghệ lạc hậu”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung bình luận như vậy tại hội nghị giao ban sản xuất cuối tháng 2/2011.

Trong một bản báo cáo vào cuối năm ngoái, Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý Việt Nam về quan hệ thương mại “lệch lạc” này, rằng đây là biểu hiện của việc: “Việt Nam vẫn chưa xâm nhập được vào mạng lưới sản xuất toàn cầu với điểm kết thúc là châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á”.

“Bí” lời giải

“Họp tháng nào chúng ta cũng bàn cả, Bộ Công Thương cũng đau đầu tìm giải pháp giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng giờ còn đang bí!”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho hay.

Trong khoảng gần 85 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu năm 2010 của Việt Nam, Trung Quốc chiếm trên 20 tỷ USD. Trong số này, các mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm khoảng 22,4%; vải các loại chiếm 11,1%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 8,4%; sắt thép các loại chiếm 7,6%; còn lại chủ yếu là nguyên liệu đầu vào sản xuất. Nhóm hàng tiêu dùng như thủy sản, sữa, rau quả, bánh kẹo, dầu mỡ… theo thống kê chỉ chiếm khá thấp.

Các con số trên cho thấy, nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam, tập trung nhất là nhóm hàng phục vụ khâu lắp ráp cần nhiều nhân công. “Doanh nghiệp FDI cũng có rất nhiều cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, họ chuyển sản phẩm vào Việt Nam để tiếp tục lắp ráp”, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cho biết. Những trường hợp như Samsung hay Canon... chứng minh nhận định này.

Trong khi đó, phần nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc cũng cho thấy, các ngành Việt Nam có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc chủ yếu là sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng thấp như dệt may, giày dép, nhựa, gỗ, giấy, thép, sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp…

“Việt Nam là điểm cuối mạng lưới sản xuất toàn cầu của nhiều mặt hàng chi phí thấp, sử dụng nhiều lao động”, cũng báo cáo của Ngân hàng Thế giới từng lưu ý.