07:52 26/03/2011

Nhiệm kỳ Chính phủ: Thành tích lớn, nhưng…

Nguyễn Lê

Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ

Hàng trăm ý kiến phát biểu tại tổ về nhiệm kỳ Chính phủ đã được tổng hợp.
Hàng trăm ý kiến phát biểu tại tổ về nhiệm kỳ Chính phủ đã được tổng hợp.
Nhiều ý kiến nhận xét, báo cáo nêu nhiều thành tích lớn, nhưng thực tế đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, khoảng cách giàu nghèo quá lớn…

Trước phiên thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chiều 25/3, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ về nội dung này đã được gửi đến đại biểu Quốc hội.

Theo đó, bên cạnh các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo và cho rằng báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc còn một số ý kiến cho rằng đây chưa thực sự là báo cáo tổng kết việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Bên cạnh đó, phần tổng kết công tác hoạt động của Thủ tướng chưa cụ thể, dù đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ. Những yếu kém, nguyên nhân và giải pháp được đề cập trong báo cáo còn chung chung, chưa sát thực tế.

Nặng về đối phó

Về những kết quả chủ yếu, đa số ý kiến cho rằng, Chính phủ đã chủ động, sáng tạo, phản ứng nhanh nhạy, quyết liệt trước những vấn đề cấp bách, giữ vững ổn định chính trị, duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc hoạch định chính sách và điều hành tổ chức thực hiện chính sách của Chính phủ vẫn còn mang tính đối phó tình hình, chưa có nhiều chính sách mang tính chiến lược, dài hạn.

Đại biểu Quốc hội cũng “phê” một số chính sách còn chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Công tác dự báo còn nhiều hạn chế, dẫn đến chất lượng các quy hoạch chưa cao.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ vẫn nặng về tốc độ phát triển hơn là về chất lượng tăng trưởng kinh tế. Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế dù đã được đề cập nhưng vẫn chưa có nhiều giải pháp thích hợp.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu hơn về kinh tế biển, quy hoạch vùng.

Đề án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam, đồ án quy hoạch chung Thủ đô, Đề án sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, dự án Bauxite.. là những dự án được nêu ra làm ví dụ về hạn chế trong việc chuẩn bị một số tờ trình các công trình quan trọng quốc gia của Chính phủ.

Theo đại biểu, việc chuẩn bị chưa đủ sức thuyết phục, thể hiện năng lực tham mưu về lĩnh vực này chưa  đáp ứng tình hình, chưa được đại biểu Quốc hội đồng tình.

Ngăn chặn lạm phát không hiệu quả

Giải pháp của Chính phủ trong điều hành thị trường vàng, ngoại tệ chưa phù hợp, không có giải pháp ngăn chặn đô la hóa thị trường tiền tệ, một số vị đại biểu nhận xét.

Bên cạnh đó vấn đề dự trữ ngoại hối, bội chi ngân sách… chưa được nói rõ trong báo cáo.

Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, Chính phủ chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả lạm phát tăng cao, giá cả leo thang. Việc tăng giá điện, xăng dầu đã gây ra tình trạng khan hiếm hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và sản xuất của doanh nghiệp.

Liên quan đến quản lý doanh nghiệp Nhà nước, báo cáo nêu ý kiến đại biểu “các tập đoàn được thành lập ngày càng nhiều và hiệu quả ngày càng thấp”.

Phần chế độ trách nhiệm, sự phối hợp công tác, tổ chức bộ máy, nhiều ý kiến cho rằng sự phối hợp giữa các bộ của Chính phủ cũng như sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương chưa đồng bộ. Nhất là trong các lĩnh vực quản lý điện lực quốc gia, giao thông, đất đai, giải quyết kiến nghị của cử tri…

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại toàn diện và báo cáo Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ của từng thành viên Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong nhiệm kỳ tới, báo cáo nêu rõ.

Tại phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Hoàng Thám phát biểu “nếu như trong chúng ta ai ngồi đây mai mốt được bầu làm Thủ tướng, làm trong Chính phủ mà tiếp thu báo cáo thảo luận tổ này và ý kiến của Quốc hội là mình sẽ làm tốt hơn”.