09:18 07/10/2009

Nhiều cơ hội hợp tác thương mại Việt Nam - Sudan

Y Nhung

Với vị trí cửa ngõ đi vào châu Phi và Trung Đông, Sudan đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam

Những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam và Sudan có thể hợp tác là: nông nghiệp, năng lượng, dịch vụ và hàng không...
Những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam và Sudan có thể hợp tác là: nông nghiệp, năng lượng, dịch vụ và hàng không...
Với vị trí cửa ngõ đi vào châu Phi và Trung Đông, Sudan đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại hội thảo “Cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Sudan” được tổ chức sáng 6/10, ở Hà Nội, ông Trần Quang Huy, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết: Năm 2008, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt 63,4 triệu USD.

Việt Nam đã xuất sang Sudan 23,9 triệu USD với các mặt hàng chính như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hạt tiêu, sản phẩm dệt may, nguyên phụ liệu thuốc lá, gạo, cà phê, cơm dừa… Năm 2008, cũng là năm cán cân thương mại hai nước đã nghiêng về phía Sudan với kim ngạch xuất khẩu đạt 39,5 triệu USD. Trong đó, những sản phẩm Việt Nam phải nhập khẩu chủ yếu từ quốc gia này là thép phế liệu, xăng, máy móc…

Tuy nhiên, những con số trên chưa tương xứng với mối quan hệ hữu nghị và tiềm năng hợp tác của cả hai nước.

Ông Huy còn đưa ra thống kê, về đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 9/2009, số dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam là 10.747 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 168 tỷ USD. Hiện đang có 88 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nước ta cũng đang có 440 dự án đầu tư tại 49 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới với tổng số vốn đăng ký đạt trên 6,8 tỷ USD. Nhưng Việt Nam vẫn chưa có một dự án nào đầu tư vào Xu- đăng và ngược lại.

Đồng tình với nhận định trên, TS. Ali Karti, Quốc vụ khanh Sudan cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư vào lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và thuỷ sản, dầu khí, công nghệ thực phẩm và chế tạo máy tại quốc gia này.

Hiện Sudan là nước đứng thứ 8 trong số 54 quốc gia châu Phi với GDP năm 2008 là gần 89 tỷ USD. Đây cũng là quốc gia lớn thứ 10 trên thế giới về diện tích, nhưng dân số chỉ khoảng 39,1 triệu.

Không những vậy, Sudan còn có nhiều tài nguyên thiên nhiên quý như: dầu mở, vàng, quặng sắt, đồng, crôm, quặng, kẽm bạc…

Vào trung tuần tháng 8 vừa qua, trong chuyến tới thăm và làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại sứ Sudan Idil Ibrahim cũng cho rằng: Ngoài các lĩnh vực trên các doanh nghiệp Việt Nam còn có thể đầu tư vào vận tải đường bộ, cơ sở hạ tầng, kho bãi. Đối với khu vực này, Cục Đầu tư Sudan sẽ làm các công việc liên quan đến thủ tục trong nước và sẽ hoàn tất các bước cần thiết cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hiện nay về cơ chế chính sách Sudan đã tiến hành nhiều cải tổ theo cơ chế thị trường và đang có sự chuyển hướng nhanh chóng sang tư nhân hoá ở nhiều lĩnh vực. Tại quốc gia này, các giao dịch bằng ngoại tệ mạnh không bị cấm và Chính phủ còn tạo mọi điều kiện cho thương mại tự do với các nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Huy để phát huy được những lợi thế trên, hai bên cần tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến chính sách thương mại và đầu tư, các hoạt động xúc tiến thương mại, danh mục các hội chợ triển lãm tổ chức ở mỗi nước, danh mục các mặt hàng xuất khẩu mà hai bên có lợi thế so sánh.

Chính phủ cũng cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước tham dự các hội chợ triển lãm, hội thảo…được tổ chức ở mỗi quốc gia; lập các dự án đầu tư, mở rộng văn phòng đại diện hoặc chi nhánh, thành lập công ty ở mỗi nước để thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp, hạn chế những bất lợi khi phải thông qua các trung gian thương mại.