01:46 28/11/2019

Nhiều điểm mới trong các Nghị định về đất nông nghiệp

Chu Khôi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến đóng góp vào việc xây dựng một số Nghị định liên quan đến đất nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến đóng góp vào việc xây dựng một số Nghị định liên quan đến đất nông nghiệp. Gồm: Nghị định về tích tụ tập trung đất đai; Nghị định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai cũng đang được sửa đổi và xin ý kiến rộng rãi của các ban ngành, địa phương.

Tại hội thảo "Góp ý sửa đổi các Nghị định về đất đai" do Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức ngày 27/11, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sẽ sửa đổi và gộp nhiều Nghị định trước đó, gồm: Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. 

Trong Dự thảo Nghị định mới, sẽ bổ sung chức năng dịch vụ cung cấp thông tin đất đai và thông tin về thị trường quyền sử dụng đất theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; tư vấn pháp lý trong việc lập hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Văn phòng đăng ký đất đai. 

Đồng thời, sẽ sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất theo hướng bổ sung thêm chức năng đầu tư kết cấu hạ tầng; thực hiện, tư vấn về tập trung, tích tụ đất đai; xây dựng bảng giá đất, xác định giá đất cụ thể.

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra những quy định yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc rà soát và công bố công khai các dự án vi phạm trên trang thông tin điện tử của địa phương; kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với những dự án không đưa đất vào sử dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án đã bị chấm dứt chủ trương đầu tư, dự án sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng và bảo vệ môi trường". 

Tuy nhiên, pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định để xử lý vấn đề này trong giai đoạn từ khi hình thành dự án đến khi dự án đã bị chấm dứt chủ trương đầu tư. Trên thực tế, tại một số nơi tuy đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhưng do không xác định thời hạn hết hiệu lực nên có tình trạng kéo dài hoạt động đầu tư, có trường hợp hàng chục năm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất trong khu vực dự kiến thực hiện dự án (khó khăn trong việc thực hiện giao dịch đất đai, trong việc xây dựng, sửa chữa công trình trên đất,… 

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định để giải quyết đồng bộ vấn đề đất đai khi chấm dứt chủ trương đầu tư dự án theo nguồn gốc đất thực hiện dự án. Cụ thể, loại dự án thuộc trường hợp quy định tại Điều 61 và Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 thì phải chấm dứt dự án đã xác định trong Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được phê duyệt, văn bản thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. 

Loại dự án nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp thì phải chấm dứt văn bản cho phép chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước đó. Loại dự án có quyết định chủ trương đầu tư dự án thì phải chấm dứt văn bản thẩm định về nhu cầu sử dụng đất, văn bản thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi góp ý ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Bà Đỗ Thị Hường - Chuyên viên Vụ Pháp chế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, Nghị định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp sẽ làm rõ những quy định đã có trong Luật Đất đai. Đồng thời, Nghị định còn quy định một số cơ chế, chính sách chưa được Luật Đất đai quy định.

Nghị định đề xuất nhiều điểm mới. Đó là, UBND cấp huyện, cấp xã làm đầu mối thực hiện việc thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận ủy quyền của người sử dụng đất để tạo lập quỹ đất nông nghiệp, sau đó cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất hoặc thuê lại đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp. 

Nhà đầu tư ứng tiền trước tiền thuê đất để UBND cấp huyện, UBND cấp xã trả cho người nông dân (trường hợp nhà đầu tư chưa bố trí đủ kinh phí thì UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí tối thiểu 15% từ Quỹ phát triển đất để UBND cấp huyện, UBND cấp xã trả cho người nông dân). 

Giá đất để UBND cấp huyện, UBND cấp xã tính tiền thuê trả cho người sử dụng đất là giá đất do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật về dân sự. Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện có nhiệm vụ thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi đất nông nghiệp của người sử dụng đất sau đó cho nhà đầu tư thuê lại đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp. 

Trung tâm phát triển quỹ đất được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi để cho nhà đầu tư thuê, thuê lại đất nông nghiệp gắn với cơ sở hạ tầng. Trường hợp nhà đầu tư trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi thì trong quá trình lập dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư có trách nhiệm xây dựng phương án điều chỉnh đất đai và thống nhất với người sử dụng đất, trình UBND cấp huyện nơi có đất phê duyệt.

Về bảo hiểm rủi ro trong tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, Nghị định đưa ra quy định: Nhà đầu tư phải trích, lập Quỹ dự phòng tài chính (dự kiến 1% doanh thu) dùng để bù đắp phần còn lại của những tổn thất, thiệt hại về tài sản xảy ra trong quá trình kinh doanh. Nhà đầu tư phải trích nộp bảo hiểm đầu tư, kinh doanh phát triển đất nông nghiệp bắt buộc (dự kiến 0,15% giá thuê đất. 

Nghị định cũng nêu việc hỗ trợ lãi suất vay thương mại cho đối tượng là hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân tham gia tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ lãi theo địa bàn tối đa từ 5 -8 năm; hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.