19:13 18/01/2021

“Nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam trụ vững”

Quỳnh Nguyễn

Những tín hiệu sớm từ kết quả kinh doanh của công ty niêm yết đã xác nhận đà phục hồi chung của nền kinh tế cũng như khả năng đề kháng của doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thống kê cho rằng, yếu tố quan trọng nhất giúp năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương đó là nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp thể hiện qua tăng trưởng kinh tế và kể cả tăng trưởng lớn của xuất khẩu cũng có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

"NỖ LỰC BỀN BỈ CỦA DOANH NGHIỆP LÀ PHẦN GỐC"

Khảo sát các khách mời tham dự tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Định hình Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chủ trì tổ chức cho thấy: 44%, 30% và 15% khách mời bình chọn cho "Tăng trưởng xuất khẩu", "Đầu tư công" và "Nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp" là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của Việt Nam trong việc giữ được tăng trưởng dương trong năm 2020.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của "người trong cuộc", ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thống kê và ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ý chí bền bỉ của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định quyết định thành công của Việt Nam trong việc giữ được tăng trưởng dương trong năm 2020.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, yếu tố quan trọng nhất giúp năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương đó là nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp. Yếu tố quyết định này thể hiện qua kết quả sản xuất, tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu cũng do doanh nghiệp và một phần của khu vực nông nghiệp.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2020 về tác động của Covid-19 và những mong muốn của doanh nghiệp cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã rất nỗ lực chia sẻ khó khăn, hợp tác để cùng tồn tại, trụ vững và phát triển. Năm 2020, Việt Nam có những gói hỗ trợ, nhưng quy mô gói hỗ trợ của Việt Nam thuộc loại thấp nhất so về hiệu dụng.

Từ số liệu thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, dù cho gói hỗ trợ của Chính phủ chưa có hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã tồn tại, duy trì sản xuất.

Cùng quan điểm với ông Nguyễn Bích Lâm, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, yếu tố xuất khẩu là kết quả cuối cùng trong khi ý chí bền bỉ của doanh nghiệp là phần gốc, là nhân để dẫn đến quả là tăng trưởng xuất khẩu.

Theo ông Phạm Thanh Hà, qua theo dõi hệ thống ngân hàng, các nhà làm chính sách đã từng lo lắng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế từ quý 2/2020 trở đi. Tín dụng trên toàn hệ thống đã tăng rất chậm từ tháng 4 đến tháng 7 mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã mạnh tay hạ lãi suất điều hành 3 lần đến tháng 9 và duy trì thanh khoản hệ thống rất dồi dào. Kết thúc 7 tháng, tăng trưởng tín dụng chỉ mới hơn 4%. Nhưng kết thúc năm 2020 tăng trưởng tín dụng đạt 12,13%. Tín dụng đã khởi sắc từ tháng 8, tăng nhanh trong tháng 11 và tháng 12 điều này chứng tỏ nỗ lực của doanh nghiệp trong hấp thu vốn.

“Nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam trụ vững” - Ảnh 1.

Tín dụng đã tăng nhanh trong tháng 11 và tháng 12 điều này chứng tỏ nỗ lực của doanh nghiệp trong hấp thu vốn.

"Chính sự bền bỉ của doanh nghiệp đã tăng sức cầu về vốn, tín dụng có thể tăng được trong tháng 11 và 12. Kết thúc năm đạt 12,13% là kết quả tích cực trong bối cảnh cầu rất yếu. Vì vậy, nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp là nguyên nhân quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam trụ vững và tăng trưởng gần 3% trong năm 2020", Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ nhấn mạnh.

NHỮNG TÍN HIỆU SỚM 

FiinGroup, Tổ chức nghiên cứu về doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn cho rằng, dựa vào dữ liệu, hầu hết các nhóm ngành đang trên đà phục hồi sau những tác động của dịch bệnh Covid-19 kể từ đầu năm, ngoại trừ nhóm du lịch, giải trí và dầu khí.

Cụ thể, FiinGroup dự báo năm 2020 khối doanh nghiệp phi tài chính sẽ ghi nhận doanh thu giảm 8,2% và lợi nhuận sau thuế giảm ở mức 21,4%. Nếu không tính hai ngành dầu khí và du lịch & giải trí, về cơ bản các ngành còn lại đã về mặt bằng của quý 4 năm 2019, tức là trước khi Covid-19 diễn ra, với mức giảm nhẹ 0,8%. Một loạt nhóm ngành được FiinGroup dự báo có lợi nhuận tăng trưởng cao như: viễn thông (+265,9%), truyền thông (+221,3%); xây dựng và vật liệu (+12,4%)…

“Nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam trụ vững” - Ảnh 2.

Riêng khối 21 ngân hàng niêm yết, FiinGroup dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 10,2% trong năm 2020 với điểm nhấn của năm 2020 là tăng trưởng thu nhập dịch vụ.

Hiện các doanh nghiệp niêm yết chứng khoán trên 2 Sở giao dịch đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý 4/2020 và năm 2020, bên cạnh các ngân hàng đã tiên phong trong 2 tuần qua.

Mặc dù 3 ông lớn của ngành ngân hàng gồm Agribank, BIDV và Vietcombank có lợi nhuận năm 2020 giảm từ nhẹ đến đáng kể so với năm 2019 nhờ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và người vượt qua các cú sốc do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, Vietinbank lại ngoạn mục với lợi nhuận riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng 43,5% đạt mức 16.450 tỷ đồng.

Không chỉ Vietinbank, OCB mới đây công bố đạt lợi nhuận trước thuế 4.414 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2019 và vượt kế hoạch cả năm. Tương tự, ABBANK 11 tháng đã đạt 1.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 108,2% kết quả thực hiện cả năm 2019, vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.

Đối với nhóm phi tín dụng, một loạt doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện, vật liệu xây dựng và hàng thiết yếu, dịch vụ vận chuyển đã công bố lãi vượt trội cho quý 4 và năm 2020 như: Đầu tư và Phát triển Điện Miền Trung (mã SEB), Dầu Thực vật Tường An (+30%), Vải sợi May mặc miền Bắc (+15%), Đường Sông Miền Nam – Sowatco (+114%), Thương mại SMC (+147%),Viglacera Đông Triều (+35%), Phát Đạt (+36%)...

Bình luận về yếu tố "nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp" tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021, Ts. Đặng Hoàng Hải Anh, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Mỹ nhấn mạnh, chúng ta nên tập trung đưa khối doanh nghiệp tư nhân lên để đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế. Bởi, từ thực tế các nền kinh tế mạnh trên thế giới như Mỹ, doanh nghiệp tư nhân là đầu tàu của nền kinh tế, tạo ra của cải chính cũng như tạo ra phát kiến sáng tạo mới, công nghệ mới; nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết, tạo ra môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp tư nhân hoạt động tốt nhất.