23:00 17/02/2018

Nỗ lực cao nhất cho tăng trưởng

Nguyễn Mạnh

Bộ Công Thương xác định "chất lượng công tác cải cách hành chính của Bộ được đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp"

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Tiếp nối những thành tích đã đạt được trong năm 2017, sang năm 2018 - năm có ý nghĩa bước ngoặt quan trọng trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, ngành công thương cam kết sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.

Thưa Bộ trưởng, nếu đánh giá ngắn gọn về những thành quả ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2017, Bộ trưởng sẽ nói đến những điểm nào?

Năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm liên tục, Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức. Với vị thế là ngành giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế quốc dân, ngành công thương đã có những đóng góp to lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế chung của đất nước.

Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2017 lần đầu tiên qui mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt mức 420 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016 (tương đương mức tăng tuyệt đối 37,2 tỷ USD), là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, vượt xa chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành công thương. 

Năm 2017 có 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng thêm 4 mặt hàng so với năm 2016. Tăng trưởng xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế và là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2017.

Cán cân thương mại đạt thặng dư 2,67 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2017 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có xuất siêu trong thương mại hàng hóa, với mức thặng dư 1,78 tỷ USD của năm 2016. 

Cán cân thương mại thặng dư không những bảo đảm kiểm soát tốt cơ cấu nhập khẩu theo hướng tập trung vào nhóm hàng hóa cần nhập khẩu, hàng hóa phục vụ sản xuất trong nước, mà còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, góp phần vào việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2017.

Về công tác hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương đã thực hiện một cách quyết liệt, chủ động và nhất quán chiến lược hội nhập của đất nước, qua đó đã nâng cao vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là thể hiện qua một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương trong thời gian qua đều cho thấy dấu ấn rõ nét của Việt Nam như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), là hiệp định thương mại tự do lớn nhất đang được đàm phán đến thời điểm hiện nay; hay như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu, là hiệp định đầu tiên của một nước với Liên minh này.

Về cơ cấu lại tổ chức, Bộ Công Thương là một trong những bộ đi đầu trong việc thực hiện tinh giản mạnh mẽ cơ cấu tổ chức bộ máy. Theo đó, số lượng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã giảm từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị, trong đó có 26 đơn vị hành chính và 4 đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt về cải cách thủ tục hành chính, năm 2017 Bộ Công Thương là cơ quan đi đầu cả nước về cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sản xuất và kinh doanh, trong năm 2017, Bộ Công Thương đã “dũng cảm” cắt giảm 675 thủ tục hành chính, chiếm khoảng 55% số điều kiện kinh doanh. Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của con số này?

Bộ Công Thương là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống an sinh xã hội của các tổ chức và người dân. Nằm trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ Công Thương xác định “chất lượng công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương phải được đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”. 

Chính vì vậy, thời gian qua công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính nói riêng luôn được Bộ Công Thương quan tâm, chú trọng.

Năm 2017, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC. Sự kiện này không những nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn là cơ hội hiếm có thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể hơn?

Khép lại một năm thành công chung của đất nước, Bộ Công Thương đánh giá năm APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa như sau:

Thứ nhất, tiếp tục khẳng định APEC là một diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực mở với trọng tâm là thực hiện tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. Cụ thể, tại hội nghị các Bộ trưởng Phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23 (MRT 23) tổ chức vào tháng 5/2017 tại Hà Nội đã ra được tuyên bố chung của hội nghị về tuyên bố của Chủ tịch về Hệ thống Thương mại Đa phương. 

Tại hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 29 (AMM 29) và hội nghị cấp cao lần thứ 25 (AELM 25) tổ chức vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng cũng đã ra được tuyên bố chung có nội dung về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và chống bảo hộ.

Kết quả này được các thành viên APEC đánh giá rất cao, vì kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, chưa một diễn đàn đa phương nào có thể ra tuyên bố có nội dung về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, kể cả G20 và G7. 

Nỗ lực này của Việt Nam và các thành viên APEC khác đã góp phần bảo vệ và củng cố hình ảnh của APEC là một diễn đàn tiếp tục đi đầu trong việc mở cửa thị trường và hỗ trợ tích cực cho các tiến trình hợp tác đa phương khác, trong đó có WTO. Đặc biệt, một số Bộ trưởng Thương mại ASEAN cũng đã có thư cảm ơn về vai trò chủ nhà của Việt Nam trong việc duy trì hợp tác khu vực, thúc đẩy vai trò của ASEAN trong APEC.

Thứ hai, Việt Nam đã đạt được đồng thuận về việc khởi động tiến trình xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020 thông qua việc thành lập Nhóm xây dựng tầm nhìn (AVG). Nhóm sẽ được thành lập vào tháng 5/2018 và sẽ là đầu mối để thảo luận và xây dựng 

Báo cáo về viễn cảnh của APEC sau năm 2020 để trình lên các nhà lãnh đạo APEC vào năm 2020, thời điểm mà mục tiêu Bogor dự kiến sẽ được hoàn thành. Đây cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng của năm APEC 2017.

Thứ ba, góp phần thúc đẩy các cơ chế hợp tác mới trong khu vực. Đây là kết quả đáng khích lệ khác mà ta đã thu được trong năm 2017, đó là đạt được đồng thuận về các cơ chế hợp tác trong thời gian tới mà APEC là khởi nguồn hoặc đóng vai trò “ươm mầm”, trong đó có Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và CPTPP...

Thứ tư, thúc đẩy các sáng kiến về tăng cường hội nhập kinh tế khu vực. Cụ thể, ta đã thông qua được 6 sáng kiến lớn, gồm: Chương trình hành động phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số (tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 đã thông qua Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng); Khuôn khổ tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới; Chiến lược doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo; Kế hoạch hành động về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động về phát triển nông thôn và đô thị nhằm đảm bảo tăng trưởng chất lượng và an ninh lương thực (tại hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 2).

Thứ năm, tranh thủ hợp tác kinh tế - kỹ thuật của APEC. Trong năm APEC 2017, Bộ Công Thương và các bộ ngành của Việt Nam đã chủ động, tích cực khai thác các nguồn lực và tài trợ từ APEC để đề xuất và tổ chức các hoạt động xây dựng năng lực cho các thành viên APEC, đặc biệt là các thành viên đang phát triển, trong đó có Việt Nam...

Năm 2018, Chính phủ đề ra hàng loạt chỉ tiêu quan trọng, trong đó, công nghiệp tăng 7,3%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8% đến 10% so với năm 2017. Ngành công thương sẽ có những giải pháp cụ thể nào để đạt mục tiêu trên, thưa Bộ trưởng?

Năm 2017 đánh dấu những thành công của ngành công thương với việc hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu và Quốc hội và Chính phủ giao. Tôi cho rằng, đây sẽ là tiền đề tốt để Bộ duy trì và củng cố thành tích này; tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã giao đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ trong năm 2018. 

Với mục tiêu cao nhất là tập trung cho tăng trưởng, một số định hướng và giải pháp lớn mà Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh trong năm 2018 và các năm tiếp theo, cụ thể như sau: Tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có các phương án sản xuất kinh doanh tối ưu nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP đối với các ngành công nghiệp; đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTA và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới, tăng cường công tác xúc tiến thương mại; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục chỉ đạo sát sao việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng; quản lý, phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.

Khẩn trương và tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia. 

Đây vừa là giải pháp mang tính trước mắt nhằm tiết giảm chi phí quản trị, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh vừa là giải pháp mang tính lâu dài để bảo đảm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong những năm tiếp theo.