16:35 17/10/2018

Ông Nguyễn Đình Cung: Không ngạc nhiên việc giảm bậc xếp hạng cạnh tranh

KIỀU LINH

TS Nguyễn Đình Cung khẳng định không ngạc nhiên khi WEF hạ 3 bậc của Việt Nam trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu

"Không có cách gì khác là cải thiện để tạo ra cạnh tranh công bằng khi có cạnh tranh, thì doanh nghiệp buộc phải đổi mới để tồn tại, còn tồn tại dựa vào quan hệ, cơ chế xin cho, thì triệt tiêu sáng tạo", TS Nguyễn Đình Cung khẳng định.
"Không có cách gì khác là cải thiện để tạo ra cạnh tranh công bằng khi có cạnh tranh, thì doanh nghiệp buộc phải đổi mới để tồn tại, còn tồn tại dựa vào quan hệ, cơ chế xin cho, thì triệt tiêu sáng tạo", TS Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu thường niên 2018 vừa được Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) công bố cho thấy, Việt Nam tụt hạng 3 bậc, từ vị trí 74 xuống xếp thứ 77 trong số 140 nền kinh tế được xếp hạng. 

Điểm số của Việt Nam đạt được năm nay là 58,1 điểm, tăng nhẹ so với mức 57,9 điểm vào năm 2017. Trong số 12 trụ cột đánh giá, Việt Nam đạt điểm cao nhất ở trụ cột "sức khỏe", với 81 điểm. Trong khi đó, ở trụ cột "năng lực sáng tạo", Việt Nam chỉ đạt 33 điểm.

"Tôi không ngạc nhiên về sự giảm bậc theo đánh giá của WEF vì từ năm ngoái trở đi thì họ bắt đầu có cách thức đánh giá khác so với 2017 trở về trước và không có trọng số, các yếu tố đều như nhau", TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói tại hội thảo "Khơi thông cải cách và củng cố niềm tin đầu tư" sáng 17/10.

Ông Cung cho rằng, trước đây, WEF đánh giá có trọng số, có nghĩa là xem xét những yếu tố căn bản của quốc gia chiếm 60%; 20-30% là yếu tố thúc đẩy đến hiệu quả và yếu tố công nghệ chiếm khoảng 10 hay 5%. Tuy nhiên, giờ đây, WEF xem xét các khía cạnh như nhau và nhấn mạnh đến đổi mới sáng tạo vì nền kinh tế tới đây tăng trưởng dựa vào yếu tố này. 

Trong khi đó, yếu tố đổi mới sáng tạo ở Việt Nam được đánh giá rất thấp và trong một năm qua không nhìn thấy sự thay đổi. Cả sự thay đổi thể chế hoặc năng lực đổi mới sáng tạo. 

Đó là một dấu hiệu đáng lo ngại, chỉ báo cho chúng ta phải cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. 

"Không có cách gì khác là cải thiện để tạo ra cạnh tranh công bằng khi có cạnh tranh, thì doanh nghiệp buộc phải đổi mới để tồn tại, còn tồn tại dựa vào quan hệ, cơ chế xin cho, thì triệt tiêu sáng tạo", TS Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, về chính sách vĩ mô, Việt Nam bước đầu đã cải thiện, môi trường kinh doanh có sự khác biệt so vói trước. Tuy nhiên, trong những điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, có những bãi bỏ là thực chất nhưng cũng có bãi bỏ chỉ là hình thức. 

Dù mục tiêu đặt ra là cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh nhưng kinh nghiệm cho thấy con số này vẫn quá ít, bởi thực tế rào cản này đang thừa quá nhiều. Trong đó, riêng về điều kiện đầu tư đất đai chúng ta chưa thay đổi.

Xếp hạng năm nay của WEF đưa ra đánh giá 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thang điểm từ 0-100, so với con số 135 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng vào năm ngoái. Trong đó, Mỹ giành lại vị trí đầu tiên là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới sau 9 năm bị Thuỵ Sĩ soán ngôi.

12 trụ cột đánh giá trong xếp hạng bao gồm: thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe, kỹ năng, thị trường cho sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, động lực kinh doanh, và năng lực sáng tạo.