Ôtô bán tải, anh là ai?

An Nhi
Lâu nay, xe bán tải vẫn là sản phẩm gặp phải nhiều trắc trở về chính sách tại thị trường Việt Nam nhất
Mẫu xe bán tải cabin kép Ranger thế hệ mới vừa được Ford đưa về thị trường Việt Nam - Ảnh: Đức Thọ.
Mẫu xe bán tải cabin kép Ranger thế hệ mới vừa được Ford đưa về thị trường Việt Nam - Ảnh: Đức Thọ.
Trong tất cả các loại ôtô thì lâu nay, xe bán tải (pick-up) vẫn là sản phẩm gặp phải nhiều trắc trở về chính sách tại thị trường Việt Nam nhất do những đặc tính “nửa nạc, nửa mỡ”.

Chẳng hạn trước đây, do ngành đăng kiểm ghi trên giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới là “xe tải” nên nghiễm nhiên, loại xe này bị cấm lưu hành ở rất nhiều tuyến phố tại các đô thị lớn. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến xe bán tải chưa được ưa chuộng tại Việt Nam.

Dù vậy, thời gian gần đây xu hướng người tiêu dùng lựa chọn sử dụng xe bán tải ngày càng tăng lên. Thực tế cũng cho thấy, đây là loại xe phù hợp với mục đích sử dụng và đặc điểm địa hình, hạ tầng giao thông Việt Nam, nhất tại các khu vực ngoại ô và nông thôn do tính đa dụng (vừa chở người, vừa chở hàng) của nó.

Đánh giá được tiềm năng lớn, các hãng ôtô có mặt tại Việt Nam đang tập trung thúc đẩy phát triển phân khúc này. Liên tiếp trong vài ba năm trở lại đây, một loạt mẫu xe bán tải mới hoặc thế hệ mới được tung ra thị trường. Trong đó có thể kể đến một số mẫu xe đã ít nhiều gặt hái được thành công như Ford Ranger, Toyota Hilux, Mitsubishi Triton hay Isuzu D-Max.

Tuy nhiên, những nỗ lực của các hãng xe lại vấp phải một trở ngại lớn, đó là cách tính lệ phí trước bạ không đồng nhất.

Ngày 18/7/2012, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã phát đi một văn bản “kêu” về tình trạng áp mức lệ phí trước bạ không thống nhất giữa các địa phương trên cả nước.

VAMA cho biết, trong khi Hà Nội áp mức lệ phí trước bạ đối với xe bán tải là 2% (mức áp dụng cho xe tải) thì tại Tp.HCM và một số tỉnh khác lại áp mức 10-20% (mức áp dụng cho xe chở người). Thậm chí, trong cùng một tỉnh hoặc thành phố, mức thu lệ phí trước bạ đối với loại xe này cũng khác nhau.

“Điều này không chỉ gây hoang mang và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng muốn sở hữu dòng xe chở hàng này do mức thu lệ phí trước bạ với cùng một dòng xe lại khác nhau ở các tỉnh thành phố trên cả nước mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực ôtô”, VAMA nhận định.

Vậy tại sao lại xảy ra hiện tượng này?

Theo tìm hiểu, việc các cơ quan thuế địa phương thu các mức lệ phí trước bạ đối với xe bán tải khác nhau là do bản thân các văn bản chính sách liên quan cũng có nhiều nội dung, cách gọi không đồng nhất hoặc không rõ nghĩa dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Ví dụ, điều 3.2.8 tại bộ tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 2:2010 TCVN 7271:2003 về phân loại các phương tiện giao thông quy định rõ: ôtô pick-up chở hàng cabin kép có các đặc điểm như thùng hàng dạng hở (có thể có mui phủ) hoặc dạng kín, có thể liền hoặc không liền thân với cabin, có bố trí cửa để xếp, dỡ hàng; trong cabin có bố trí hai hàng ghế, có số chỗ ngồi kể cả chỗ ngồi của người lái không lớn hơn 5; thùng hàng không có trang bị tiện nghi và nội thất phục vụ chở người…

Chiếu theo quy định này, các mẫu xe bán tải hiện có mặt trên thị trường như Ford Ranger, Toyota Hilux hay Mitsubishi Triton… đều được xếp vào loại “xe tải”.

Đồng thời, trong giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp cho các mẫu xe này, mục “Loại phương tiện” ghi là “Ôtô tải (Pick-up cabin kép)”. Khi nhập khẩu về Việt Nam, thuế suất thuế nhập khẩu của các dòng xe này cũng áp dụng ở mức 5% theo CEPT, là mức áp dụng cho xe ôtô tải.

Vì vậy, theo VAMA, không có lý do gì để loại xe này phải chịu mức lệ phí trước bạ 10-20% như xe chở người dưới 10 chỗ ngồi.

Tuy nhiên, lý lẽ của các cơ quan thuế địa phương đang áp dụng mức lệ phí trước bạ 10-20% đối với loại xe này chính là ở nội dung văn bản giải đáp chính sách về lệ phí trước bạ được Bộ Tài chính gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ngày 5/3/2012.

Trong đó, văn bản nêu rõ các loại xe ôtô thuộc diện chịu lệ phí trước bạ 10-20% quy định tại Thông tư số 124/2011/TT-BTC gồm: ôtô chở người, ôtô pick-up chở người và ôtô van chở người có số chỗ ngồi bao gồm cả lái xe từ 4 đến dưới 10 chỗ ngồi.

Nếu chiếu theo nội dung này thì rõ ràng các loại xe pick-up cabin kép nêu trên có đủ 4-5 chỗ ngồi và việc nhiều cơ quan thuế địa phương áp dụng mức lệ phí trước bạ 10-20% cũng là điều dễ hiểu.

Theo VAMA, khi đối chiếu một loạt quy định thì các loại xe pick-up cabin kép đương nhiên được xếp vào loại hình xe tải. Do đó, cơ quan này cho biết hiện đã “vận động” được một số địa phương áp dụng mức lệ phí trước bạ 2% như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai và Bình Dương (thị xã Dĩ An). “Các tỉnh và thành phố còn lại trên cả nước vẫn từ chối áp dụng mức thu này vì cho rằng các văn bản hướng dẫn chưa đủ rõ ràng”, VAMA cho biết.

Tin mới

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.