17:16 15/08/2019

Phó thủ tướng: Tham nhũng vặt, tác hại không vặt

Hà Vũ

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn - Ảnh: Quang Phúc
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn - Ảnh: Quang Phúc

Cuối chiều 15/8, sau khi nhiều thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trước đó, nhiều đại biểu đã chất vấn Phó thủ tướng về trách nhiệm quản lý đầu tư công, đầu tư cho đồng bằng Sông Cửu Long, phòng chống tham nhũng vặt, ngăn chặn tín dụng đen, trách nhiệm chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật gây thiệt hại cả ngàn tỷ...

Chọn một số vấn đề để trả lời, liên quan đến giải pháp phòng chống tham nhũng vặt, Phó thủ tướng đánh giá tham nhũng vặt là tệ nạn gây nhức nhối, tuy là tham nhũng vặt nhưng tác hại lớn, làm xói mòn niềm tin của nhân dân, làm tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp.

"Tuy là tham nhũng vặt nhưng hậu quả không hề vặt. Người ta ví con đê cao to, hùng vĩ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cho biết Chính phủ có nhiều giải pháp để phòng, chống tham nhũng vặt. Như, hoàn thiện hệ thống pháp luật rõ ràng, thống nhất, tránh nhũng nhiễu. Hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình trong thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Giải pháp nữa là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp 4, trả tiền dịch vụ qua mạng.

Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân cũng là những giải pháp được ông Huệ đề cập trong phòng chống tham nhũng vặt.

Thủ tướng đã ban hành chỉ thị và đã tổ chức hội nghị toàn quốc, chấn chỉnh vấn đề nhũng nhiễu, vòi vĩnh của đội ngũ cán bộ công chức trong lĩnh vực này, tôi nghĩ sắp tới sẽ tạo ra chuyển biến, Phó thủ tướng hồi âm đại biểu. 

 Trả lời chất vấn của một số đại biểu về hạn chế trong xây dựng pháp luật, Phó thủ tướng nhìn nhận vẫn còn văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chậm. Một số dự án luật còn hạn chế về nội dung, chậm trình Quốc hội. Đến nay các bộ ngành đang nợ 18 văn bản quy phạm pháp luật.

Nguyên nhân, theo Phó thủ tướng là chưa tuân thủ quy trình, trình tự theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sự quan tâm chỉ đạo của một số tư lệnh ngành chưa sát sao. Ngoài ra, một số vấn đề chưa đánh giá kỹ tác động khi xây dựng luật.

Phó thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ chấp hành nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công khai các bộ ngành nợ đọng văn bản. Ngoài ra, sẽ tăng cường năng lực triển khai, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

Trả lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về giải pháp trước tình trạng trái phiếu doanh nghiệp nở rộ, Phó thủ tướng nói lãi suất huy động trái phiếu doanh nghiệp chỉ cao hơn lãi suất cho vay trung, dài hạn của ngân hàng 0,5-1% nhưng cá biệt cá biệt một số đợt phát hành lãi suất lên tới 12-14% của các doanh nghiệp bất động sản và đặc biệt có doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất đến 14,5%.

Phó thủ tướng nhìn nhận, việc này dẫn tới hệ lụy phá vỡ đường cong lãi suất giữa lãi suất trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất ngân hàng. Bên cạnh đó, việc phát hành chủ yếu là phát hành riêng lẻ, của các công ty chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nên chưa được đánh giá tín nhiệm. Ngoài ra, có 6,1% nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu. 

Đây là nhóm đối tượng không có đủ điều kiện đánh giá rủi ro và có thể đối mặt rủi ro thanh khoản, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Chính phủ đã họp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và các bộ ngành liên quan, quán triệt phát triển thị trường trái phiếu phù hợp với chiến lược thị trường chứng khoán và đề án tái cơ cấu các công ty chứng khoán, giảm gánh nặng cho tín dụng ngân hàng nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, Phó thủ tướng cho biết.

Giải pháp từ gốc, theo Phó thủ tướng là Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang trình Quốc hội sẽ kiểm soát nghiêm ngặt điều kiện phát hảnh riêng lẻ và chỉ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư tổ chức. Công tác hỗ trợ thông tin cho cả người phát hành và người mua cũng sẽ được tăng cường.