11:49 10/01/2019

PV Power có thể vay thêm 29.000 tỷ đồng

Bạch Huệ

Để đầu tư dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch, PV Power được một số ngân hàng trong nước cam kết cho vay 20.000 tỷ, các định chế tài chính nước ngoài có thể thu xếp 300-400 triệu USD

Chủ tịch HĐQT PV Power, Hồ Công Kỳ.
Chủ tịch HĐQT PV Power, Hồ Công Kỳ.

Đó là khẳng định của ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã chứng khoán POW) tại cuộc họp tổng kết năm 2018 và định hướng kế hoạch 2019.

Năm 2018 PV Power ước đạt doanh thu 24.272 tỷ đồng vượt 8% kế hoạch và lãi trước thuế công ty mẹ 2.565 tỷ đồng, tương đương 124% kế hoạch.

Năm 2019, PV Power đặt mục tiêu sản lượng điện đạt 21,6 tỷ kWh trên cơ sở tối ưu hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Kế hoạch doanh thu PV Power là 32.770 tỷ đồng, tăng hơn 1% so với 2018. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 2.500 tỷ đồng, tăng 8% và lãi ròng 2.275,2 tỷ đồng; dự kiến nộp ngân sách Nhà nước 1.304,5 tỷ đồng.

Ông Hồ Công Kỳ chia sẻ thêm, các chỉ tiêu này đã tính biến động tỷ giá do ảnh hưởng từ những bất ổn quốc tế. Hiện nay, PV Power chủ yếu vay bằng USD. Năm trước, kịch bản công ty đưa ra là biến động hơn 2,7% nhưng thực tế có thể thấp hơn. 

"Ước tính, tỷ giá biến động 1% thì PV Power sẽ chịu khoản chi phí thêm khoảng 60 tỷ đồng. Công ty đã trả hết nợ vay tại Nhà máy Cà Mau 2 và một phần tại Cà Mau 1, còn lại chủ yếu tại nhà máy Vũng Áng khoảng 400 triệu USD", ông Kỳ nói. 

Vấn đề bán cổ phần cho cổ đông chiến lược của PV Power, ông Hồ Công Kỳ cho biết Thủ tướng đã quyết định tạm dừng việc này không phải vì không có đối tác mua mà vì thời gian quá gấp gáp, 3-4 tháng không đủ để nhà đầu tư nghiên cứu và mua cổ phần tại PV Power. 

Quá trình tìm cổ đông chiến lược gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp, tuy nhiên quá trình cổ phần hóa đã hoàn tất nên việc tìm đối tác chiến lược cũng sẽ không tiếp tục. Câu chuyện của PV Power chỉ còn liên quan đến việc Nhà nước thoái vốn. Song, PV Power đang vay nợ nước ngoài, trong đó có khoản cam kết Nhà nước phải sở hữu trên 51%. Do đó, cho đến khi doanh nghiệp trả được khoản nợ thì cổ đông Nhà nước mới có thể xem xét giảm sở hữu.

Trong năm 2019, PV Power cũng sẽ phải lo thu xếp vốn cho Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4. Vừa qua, PV Power đã trình phương án lên Bộ và chuyển lên Thủ tướng để chờ phê duyệt. Nếu được chấp thuận, dự án sẽ khởi công vào năm 2020, phát điện năm 2022 - 2023, góp phần cung cấp điện, khắc phục áp lực thiếu điện ở các vùng thấp điểm tại Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Tp. HCM…

Liên quan đến việc thu xếp vốn, tổng mức đầu tư của Nhơn Trạch 3&4 dự kiến khoảng 1,4 tỷ USD, trong đó 25-30% sử dụng vốn chủ sở hữu từ các quỹ, lợi nhuận sau thuế của PV Power. Còn lại hơn 1 tỷ USD, công ty đang tiếp xúc với các ngân hàng và định chế tài chính. Công ty đã nhận được cam kết cho vay 20.000 tỷ từ các ngân hàng trong nước. Ngoài ra với các định chế tài chính nước ngoài, PV Power đã làm việc và trong thời gian tới có thể thu xếp 300-400 triệu USD (tươn gứng 7.000 - 9.000 tỷ). Như vậy, tổng cộng hai khoản vay lên tới 29.000 tỷ đồng.