16:55 21/01/2019

Quảng Ninh năm thứ ba "đo" năng lực cán bộ qua "lá phiếu" của doanh nghiệp

Trần Kỳ

Đây là năm thứ 3, Quảng Ninh chính thức triển khai bộ chỉ số DDCI với mục đích "đo" năng lực của cấp dưới qua "lá phiếu" của doanh nghiệp

Ngày 18/1 vừa qua, lễ công bố chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương - DDCI Quảng Ninh 2018 với chủ đề "DDCI - Hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp" được Quảng Ninh tổ chức tại thành phố Hạ Long.

Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và phó chủ tịch tỉnh và đại diện 14 địa phương, 21 sở, ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều có mặt.

Đây là năm thứ 3, Quảng Ninh chính thức triển khai bộ chỉ số DDCI với mục đích "đo" năng lực của cấp dưới qua "lá phiếu" của doanh nghiệp.

Tại lễ khai mạc khai mạc, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2018, Quảng Ninh đã hoàn thành 11/11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, GRDP đạt 11,1 %, cao nhất trong 6 năm gần đây, qui mô nền kinh tế ước 145.946 tỷ đồng, tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt 5.110 USD/người/năm.

Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đồng hành cùng doanh nghiệp, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với môi trường đầu tư, kinh doanh dành cho địa phương này được thể hiện rõ qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2018, Quảng Ninh đã giành vị trí quán quân trong bảng xếp hạng PCI.

Ông Thắng nói việc triển khai bộ chỉ số DDCI được Quảng Ninh duy trì, tiếp nối các sáng kiến đổi mới nhằm phá vỡ sức ỳ, sự tự mãn với những kết quả đã đạt được, đồng thời tạo sự cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền, các huyện, thị xã thành phố và các sở, ban, ngành thuộc để tạo ra những đột phá trong quản lý điều hành.

Nếu như năm 2017, Quảng Ninh đưa sáng kiến ứng dụng mạng xã hội trong đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm mở thêm kênh thông tin kết nối, tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (mở và vận hành trang fanpage DDCI Quảng Ninh kết nối với trang fanpage của 19 cơ quan ban ngành và địa phương), thì năm 2018, DDCI Quảng Ninh đã thí điểm đo lường năng lực quản trị doanh nghiệp(CMI) và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) thông qua bản tự kê khai của chính doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật - Nghiên cứu Trưởng của tổ tư vấn độc lập DDCI Quảng Ninh,  cho biết, đã có gần 1.500 doanh nghiệp tự đánh giá chính mình theo mẫu bộ chỉ số, tỷ lệ tham gia ước trên 10%/tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên Cứu quản lý kinh tế trung ương, sáng kiến này có ý nghĩa thực tiễn trong điều hành, trong kinh doanh, tạo ra áp lực để doanh nghiệp tự hoàn thiện năng lực nội tại, tự đo lường xem có đủ năng lực để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thông qua đó, chính quyền nhận diện được sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời đưa ra những quyết sách.

Ông Lưu Công Thành - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Quảng Ninh cho biết, tự đánh giá năng lực quản trị và trách nhiệm với xã hội thực sự là một công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp định vị lại chính mình.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nói, cách làm của Quảng Ninh bắt đầu từ tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh, việc huy động được nguồn lực trong xã hội bằng cách tạo niềm tin trong dân là nền tảng giúp tỉnh này thành công.

Ông Lộc nhận định, Quảng Ninh là cái nôi của cải cách của Việt Nam, địa phương này đang vươn tới vị trí hàng đầu khu vực trong phát triển bền vững, đây là nơi đáng sống, đáng kinh doanh, nơi hạ cánh của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo kết quả công bố, năm 2018, chất lượng điều hành ở cả hai khối (khối sở, ban, ngành và khối địa phương) tiếp tục tăng so với năm 2017. Trong đó, khối sở, ban, ngành với mức điểm trung vị tăng xấp xỉ 8 điểm lên 69,33 điểm. Khối địa phương cũng có nhiều tiến bộ, tăng từ 63,26 năm 2017 lên 64,71 điểm năm 2018. Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, hai lĩnh vực là chi phí không chính thức và thiết chế pháp lý của tỉnh hiện vẫn còn hạn chế.

Về khối doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp tại thành phố Hạ Long được đánh giá có năng lực quản trị (CMI) tốt nhất, cộng đồng doanh nghiệp thành phố Cẩm Phả có chỉ số trách nhiệm xã hội (CSR) cao nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, để phát triển bền vững, việc cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh sản phẩm phải luôn được chú trọng, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp phải tự soi, tự mổ sẻ, đặc biệt không được thỏa mãn với vị trí của mình.

Nhằm hiện thực hóa tham vọng "Hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp" Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 25 nghìn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với khoảng 17.650 doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại thì để đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh vẫn còn cả lộ trình dài trước mắt.