10:15 12/11/2010

Quỹ đầu tư nước ngoài: Thời oanh liệt nay còn đâu!

Nguyễn Hoàng

Thị trường chứng khoán từ năm 2009 đến nay đã khiến danh mục của vô số quỹ đầu tư phải ghi nhận những con số lỗ sổ sách khổng lồ

Thị trường chứng khoán luôn khắc nghiệt, luôn đúng và chỉ có nhìn vào giá trị danh mục đầu tư mới có thể nói tài - Biếm họa.
Thị trường chứng khoán luôn khắc nghiệt, luôn đúng và chỉ có nhìn vào giá trị danh mục đầu tư mới có thể nói tài - Biếm họa.
Từ hôm nay (12/11), quỹ Funderburk Lighthouse Limited, cổ đông chiến lược của PVI sẽ bắt đầu lướt sóng 1 triệu cổ phiếu. Với giá “chiến lược” 40.000 đồng, khối lượng trên 20,2 triệu, tính sơ sơ quỹ này đã lỗ gần 60%, tương đương 481 tỷ đồng chỉ trong hơn 4 tháng.

Quỹ Funderburk Lighthouse chính thức trở thành cổ đông chiến lược của PVI trong đợt chào bán riêng lẻ hồi đầu tháng 7/2010. Với tỉ lệ sở hữu 12,65%, quỹ này đã trở thành cổ đông lớn thứ hai tại PVI, chỉ sau Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (52,06%), thậm chí còn lớn hơn “người nhà” của PVI là Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (10,17%).

Funderburk Lighthouse đăng ký cùng lúc mua vào và bán ra 1 triệu PVI trong thời gian từ 12/11 đến 11/1/2011. Không cần “giải trình” nhiều, cách đăng ký vừa mua vừa bán cho tiện này chẳng khác gì hàng loạt tổ chức khác - cả trong nước lẫn nước ngoài từ đầu năm đến nay - nhằm hạ giá vốn của “mớ” cổ phiếu đang khiến giá trị tài sản đầu tư ảm đạm.

Cơ cấu lại danh mục là thuật ngữ hoa mỹ để chỉ hoạt động lướt sóng nhằm nhiều mục đích. Tốt đẹp thì tổ chức đó sẽ chủ động mua bán tùy từng thời điểm để hạ giá vốn xuống nếu vẫn muốn đi cùng doanh nghiệp niêm yết trong dài hạn. “Xấu” một chút thì thị trường sẽ chỉ thấy hoạt động bán ra mà không thấy mua vào vì một lý do rất “trời ơi”: biến động thị trường không phù hợp. Bán ra mà không mua vào cũng chẳng khác hoạt động cắt lỗ là mấy, mà ngôn từ thì chẳng ai bắt bẻ được.

Thực tế, diễn biến thị trường chứng khoán từ năm 2009 đến nay đã khiến danh mục của vô số quỹ đầu tư phải ghi nhận những con số lỗ sổ sách khổng lồ. Tuy nhiên cũng có nhiều quỹ từng “đánh quả” hoành tráng đến mức thành giai thoại.

Thị trường đến giờ chắc vẫn chưa quên hai cổ đông chiến lược nước ngoài của FPT hồi tháng 10/2006. Quỹ đầu tư Texas Pacific Group (TPG) và Intel Capital, một tổ chức đầu tư của Tập đoàn Intel chia nhau nắm giữ 10% vốn tại FPT và đổi lại, FPT có 36,5 triệu USD và “danh tiếng” của những cổ đông chiến lược nước ngoài - một xu hướng thời thượng vào lúc đó.

Không rõ sự khôn khéo của quỹ ngoại hay sự “cả tin” của doanh nghiệp mà việc truyền thông về hai tổ chức nổi danh quốc tế trở thành “cổ đông chiến lược” hay chỉ là cổ đông lớn thiếu rõ ràng. Giá FPT hồi đó tăng khá mạnh khi nhận thấy uy tín của FPT tăng vọt. Tuy nhiên “hậu kỳ” thì thị trường đã rõ, khi hai cổ đông này chỉ bị ràng buộc thời gian nắm giữ có 6 tháng kể từ khi FPT lên sàn. 

Diễn biến sau đó thì ai cũng rõ, nhất là cổ đông của FPT, khi giá cổ phiếu này từ đỉnh cao 440.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 2/2007 rơi tuốt xuống vực sâu 200.000 đồng cuối năm đó. Dĩ nhiên mức giá khoảng 40.000 đồng trong năm 2008 của FPT cũng do yếu tố khủng hoảng chung, nhưng rõ ràng quỹ ngoại đã vớ được món lời khó tưởng tượng chỉ trong thời gian rất ngắn.

Tuy nhiên, nếu nhìn bức tranh toàn cảnh, “phi vụ” FPT cũng chỉ là nét chấm phá mà thôi. Trừ các quỹ gia nhập thị trường từ sớm, đầu tư trên thị trường OTC, giá vốn chắc chắn thấp và có lợi nhuận, đa số các quỹ mới gia nhập đều đau lòng nhìn danh mục của mình teo tóp.  Đặc biệt khi, đỉnh cao tháng 10/2007 đã ghi nhận thêm khá nhiều quỹ mới và xu hướng mua ròng của khối ngoại cũng rất mạnh.

Chỉ cần nhìn vào giá trị tài sản ròng (NAV) của vài quỹ đang niêm yết cũng có thể thấy sự thất vọng đến mức nào.

Quỹ MAFPF1 báo cáo NAV ngày 8/11 chỉ còn 6.500 đồng/chứng chỉ quỹ, giảm khoảng 7% so với đầu năm - một mức giảm khá tốt so với thị trường (VN-Index giảm 13,6%). Tuy nhiên con số NAV mỗi đơn vị quỹ phải nói là quá “thảm” so với thâm niên nhiều năm lăn lộn trên thị trường cũng như trình độ của tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Giá MAFPF1 trên thị trường chỉ có 3.900 đồng, không hơn giá vé một lần gửi xe máy là mấy! 

Quỹ đầu tư cân bằng PRUBF1 với danh mục cân bằng được đỡ phần lớn bởi trái phiếu NAV đến 4/11 chỉ còn 8.355 đồng/đơn vị quỹ, cũng giảm hơn 6% từ đầu năm. PRUBF1 đang giao dịch tại mức 4.900 đồng. VFMVF1 - quỹ niêm yết thâm niên nhất lên sàn ngày 22/9/2004 - báo cáo NAV đến 4/11 chỉ còn 21.619 đồng/đơn vị quỹ, giảm xấp xỉ 10%, thị giá đạt 10.300 đồng. Nếu cổ đông trung thành từ những ngày đầu nào muốn “chạy” lúc này thì  chắc chắn vẫn lỗ vì quỹ đã từng tăng vốn với giá cao.

Điểm nhấn của quỹ năm nay có lẽ phải thuộc về VFA - quỹ đầu tư năng động đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam công khai xác định tôn chỉ lướt sóng bằng công nghệ “khủng” cũng lần đầu tiên được giới thiệu ở Việt Nam.

NAV đến thời điểm 4/11 của quỹ này chỉ còn 8.875 đồng/đơn vị quỹ, giảm gần 7% so với thời điểm báo cáo ngay sau khi lên sàn. Thực tế ngay khi niêm yết (9/7/2010) NAV của quỹ đã chỉ còn 9.423 đồng/đơn vị quỹ.

Giao dịch của cổ đông nội bộ với các quỹ này cũng sôi động, trong đó phần lớn là bán bớt. Ngay với VFA, Công ty Chứng khoán Tp.HCM mới góp vốn hơn 6 tháng đã phải “tẩy” đi một nửa. Không rõ “cây đũa thần” Quant với hệ thống máy tính mạnh có giúp VFA cắt lỗ hay tránh những đợt phục hồi giả vừa qua hay không, nhưng với quy mô chỉ có hơn 240 tỷ đồng, độ “năng động” chưa chắc đã bằng nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường chứng khoán luôn khắc nghiệt, luôn đúng và chỉ có nhìn vào giá trị danh mục đầu tư mới có thể nói tài.