15:45 30/10/2020

Quỹ ETF nội tái cơ cấu, VN-Index được kéo dựng ngược cuối phiên

Lan Ngọc

Biến động tăng bất ngờ đã diễn ra trong vài phút cuối đợt khớp lệnh liên tục và đợt ATC dưới ảnh hưởng từ các giao dịch tái cơ cấu của một loạt quỹ ETF nội

VN-Index bật tăng hôm nay với thanh khoản rất kém.
VN-Index bật tăng hôm nay với thanh khoản rất kém.

Biến động tăng bất ngờ đã diễn ra trong vài phút cuối đợt khớp lệnh liên tục và đợt ATC dưới ảnh hưởng từ các giao dịch tái cơ cấu của một loạt quỹ ETF nội.

Với quy mô vốn rất lớn, đồng loạt các quỹ ETF nội tái cơ cấu vào một thời điểm có thể khiến thị trường thay đổi bất ngờ không khác gì các quỹ ETF ngoại. Biến động giá cổ phiếu còn đến từ hiệu ứng gián tiếp của mức thanh khoản rất kém phiên này.

VN-Index cho đến 14h10 vẫn đang giảm 7,88 điểm tương đương 0,86% so với tham chiếu. Đến 14h30 toàn bộ số điểm bị mất này được lấy lại, chỉ số quay về tham chiếu. Đợt ATC chỉ số bật tăng tiếp 6,39 điểm nữa, tương đương 0,7% so với tham chiếu. Như vậy chỉ trong khoảng 35 phút, VN-Index tăng 1,57%.

Thị trường không hẳn đột nhiên tích cực lên. Đơn giản là hoạt động mua bán của nhóm quỹ ETF nội nhằm đến các cổ phiếu vốn hóa lớn. Rất nhiều cổ phiếu đột ngột tăng giá trong những phút cuối phiên nói trên: VIC tăng từ 101.600 đồng lên 106.500 đồng; VNM từ 105.500 đồng lên 108.000 đồng; MSN từ 80.800 đồng lên 84.000 đồng....

Cho đến trước khi xuất hiện biến động bất ngờ nói trên, thị trường diễn biến yếu và thanh khoản rất kém. VN-Index tăng nhẹ lên 926,32 điểm rồi trượt dốc liên tục kéo dài tới tận 14h10. Đặc biệt là giao dịch rất yếu, ví dụ phiên sáng giá trị khớp lệnh hai sàn chỉ bằng 56% so với sáng hôm qua. Hay như rổ VN30 đến tận 2h15 – tức là trước khi bùng nổ - cũng mới khớp lệnh 2.846 tỷ đồng. Chỉ vài chục phút cuối VN30 giao dịch 29% tổng giá trị khớp cả phiên.

Diễn biến mạnh mẽ nhất của đợt tăng cuối ngày đến từ VIC. Cổ phiếu này cũng đã khá mạnh trong phiên khi duy trì được mức tăng trên tham chiếu ngay cả thời điểm toàn thị trường đỏ rực. Tính riêng nhịp tăng cuối cùng, VIC đã leo dốc tới 4,82% trong tổng mức tăng 5,76% cả ngày. Thậm chí ngay trong một đợt ATC cổ phiếu này nhảy giá từ 103.000 đồng lên 106.500 đồng, tức là tăng gần 3,4% một lần khớp.

Dĩ nhiên cũng có một số cổ phiếu lớn khác nhảy giá tăng so với lúc 14h10, nhưng chỉ có VNM thuộc nhóm trụ là vượt qua tham chiếu, tăng 1,03%. Riêng VIC và VNM đã góp cho VN-Index tới hơn 6 điểm, trong khi tổng mức tăng của chỉ số là 6,39 điểm.

Quỹ ETF nội tái cơ cấu, VN-Index được kéo dựng ngược cuối phiên - Ảnh 1.

Diễn biến của VN-Index trong phiên hôm nay: Chỉ số tăng đầu phiên rồi lao dốc suốt đến tận 14h10 trước khi được kéo dựng đứng những phút cuối.

Rổ VN30 đóng cửa với 11 mã tăng và 15 mã giảm. Rất nhiều cổ phiếu đã không thể phục hồi lên tham chiếu được, hoặc vượt tham chiếu trong vài phút rồi lại quay đầu giảm. Diễn biến này không lạ vì chỉ những cổ phiếu được các quỹ mua vào đẩy lên mới có lực cầu tốt, trong khi đa số còn lại khi nhìn thấy chỉ số tăng dựng đứng thì nhảy vào mua và chỉ tăng chốc lát là kiệt sức.

Nhóm ngân hàng có VPB đóng cửa tăng 1,29%, HDB tăng 2,54%. Hai mã này nằm trong số được các quỹ mua. VCB đóng cửa vẫn giảm 0,72%, BID giảm 0,39%, CTG giảm 0,34%, EIB giảm 0,29%, STB giảm 1,48%, TCB giảm 2,06%. Không phải tất cả số giảm là do quỹ ETF bán ra hoặc không được mua ròng, mà là có giao dịch đối ứng lớn.

Ngay cả khi có giao dịch của các quỹ ETF rất sôi động cuối phiên hôm nay nhưng thanh khoản vẫn sụt giảm đáng kể. Tổng giá trị giao dịch hai sàn giảm 19% so với hôm qua, còn 6.992 tỷ đồng, mức thấp kỷ lục trong 7 tuần gần đây. Riêng khớp lệnh giá trị cũng giảm 16,3%, đạt 6.506 tỷ đồng, cũng thấp nhất 13 phiên.

Thanh khoản giảm toàn diện ở các nhóm cổ phiếu, ngay cả rổ VN30 bao gồm đại đa số các mã được các quỹ mua bán cũng giảm giá trị khớp lệnh khoảng 13% so với hôm qua. Nhóm Midcap giảm giao dịch 18%, nhóm Smallcap giảm 25%. TCB, HPG, MSN, VNM, CTG, VHM là 6 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất đạt từ 200 tỷ đồng trở lên (chiếm 36% thị trường) thì duy nhất VNM tăng giá, MSN tham chiếu, còn lại giảm.

Nhà đầu tư nước ngoài không liên quan gì đến phiên tái cơ cấu cuối tuần. Khối này vẫn "túc tắc" bán ròng cỡ 574 tỷ đồng nữa chỉ riêng sàn HSX. Cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng 480 tỷ đồng. MSN, POW, HPG, KDH, VRE, VNM, HDB, STB, PLX bị bán ròng rất lớn.

Như vậy tuần này khối ngoại rút khỏi HSX xấp xỉ 2.024 tỷ đồng ròng và tính chung tháng 10 mức rút ròng khoảng 7.238 tỷ đồng. Tháng 10 này đã không thể phá kỷ lục của tháng 3 năm nay (bán ròng 7.736 tỷ đồng) nhưng cũng là tháng bán ròng lớn thứ 2 trong 10 tháng qua.