09:20 20/12/2007

Rao bán quyền đấu giá Vietcombank

Một số nhà đầu tư cho rằng giá đấu thành công của Vietcombank sẽ không quá cao, nên quyết định bán lại quyền đấu giá

Nếu muốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, sắp tới nhà đầu tư còn rất nhiều cơ hội khác.
Nếu muốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, sắp tới nhà đầu tư còn rất nhiều cơ hội khác.

Ông Bùi Ngọc Long, Giám đốc Marketing, Công ty Chứng khoán IRS cho biết, sau khi thông tin ban đầu về kết quả đăng ký đấu giá Vietcombank được loan ra, ngay chiều qua, một số nhà đầu tư đã rao bán lại quyền đấu giá cổ phiếu này.

>>Toàn cảnh cổ phần hóa Vietcombank

Ban đầu, những người này chỉ ướm hỏi xem có người mua không để nhượng lại. Tuy nhiên, sáng 19/12, thông tin này được thông báo rõ ràng hơn, với giá vào khoảng trên 1.000 đồng mỗi quyền. Đại diện một công ty chứng khoán khác cho biết, tính đến chiều 19/12, giá đã được đẩy lên mức 7.000-9.000 đồng, thậm chí 10.000 đồng mỗi quyền.

Sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) chốt danh sách đăng ký và đóng tiền đặt cọc đợt IPO sắp tới vào chiều qua, trên thị trường đã có khá nhiều thông tin cho biết, số lượng cổ phần đăng ký không cao hơn nhiều lắm so với số cổ phần chào bán ra bên ngoài.

Chính vì thế, một số nhà đầu tư cho rằng giá đấu thành công của Vietcombank sẽ không quá cao, nên quyết định bán lại quyền đấu giá để kiếm "tiền tươi thóc thật". Tuy vậy, theo ghi nhận, nhà đầu tư mới chỉ dừng lại ở việc rao bán, mà chưa thấy có người mua.

Theo một nguồn tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, tới thời điểm này, danh sách chốt có trên 7.000 nhà đầu tư tham gia. Số lượng cổ phần đăng ký cao hơn khoảng 10% so với lượng cổ phần chào bán, tức là khoảng hơn 100 triệu đơn vị, trong đó nhà đầu tư nước ngoài đăng ký gần 40 triệu cổ phần. Nguồn tin này cũng tiết lộ, lượng nhà đầu tư cá nhân không nhiều, mà chủ yếu là nhà đầu tư có tổ chức.

Từ kết quả ban đầu trên, ông Hoàng Xuân Quyến, Giám đốc Phòng Phân tích đầu tư, Công ty Chứng khoán Tân Việt nhận định, giá trúng thầu của Vietcombank chỉ xoay quanh mức khởi điểm 100.000 đồng.

Ông phân tích, nếu lượng đặt mua chỉ cao hơn 10% lượng chào bán thì cơ hội trúng giá của các nhà đầu tư đăng ký lên tới 90%. "Giả sử đặt giá tối thiếu thì cơ hội trúng thầu cũng lên tới 90%, do đó, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ chỉ đặt xoay quanh giá khởi điểm mà thôi", ông Quyến nhận định.

Dựa vào kinh nghiệm từ những lần IPO trước, ông Quyến cho rằng, các nhà đầu tư sẽ bỏ khoảng 10 mức giá khác nhau để tăng khả năng trúng thầu. Tuy vậy, vị giám đốc phân tích đầu tư này dự đoán, giá cao nhất chỉ đạt 110.000 đồng mỗi cổ phần.

Đồng tình quan điểm này, anh Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư sàn HBBS cho rằng, giá đấu thành công của VCB sẽ không cao, chỉ đạt khoảng 101.000-102.000 đồng.

"Khi mua VCB là xác định phải chơi lâu dài, trong khi đó, nhà đầu tư Việt Nam vẫn chủ yếu đầu tư ngắn hạn chứ ít người chịu nắm giữ cổ phiếu trung và dài hạn. Hơn nữa, sau IPO, ai dám chắc là giá của VCB sẽ như thế nào, vì cao hay thấp còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường chung", anh giải thích thêm.

Ngoài ra theo anh Dũng, nếu muốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, sắp tới nhà đầu tư còn rất nhiều cơ hội khác, vì có thông tin từ nay tới hết quý 1/2008 sẽ có khoảng 5 ngân hàng thương mại cổ phần lên sàn.

Nhà đầu tư Mạnh Tuấn sàn ACBS cho hay, nhiều nhà đầu tư sau khi xem xét, phân tích các yếu tố được mất đã quyết định không tham dự IPO Vietcombank mà chờ cơ hội mua lại quyền mua với giá rẻ hơn từ các cán bộ công nhân viên của Vietcombank - những người được mua cổ phần với giá ưu đãi.

Trong đợt IPO lần này, sẽ có 3,5% cổ phần chào bán, tương đương 52,5 triệu cổ phiếu, được bán cho cán bộ công nhân viên của Vietcombank. Gần 1.400 tỷ trái phiếu được chuyển đổi với tỷ lệ tương đương 60% giá đấu trung bình theo luật định.

Nguồn tin từ HOSE cho biết, hiện tại, Sở vẫn đang kiểm duyệt hồ sơ, sớm nhất phải đến ngày 21/12 mới có kết quả cuối cùng. Khi đó, HOSE sẽ công bố công khai trên trang web.

Làm gì để kích thích nhà đầu tư?

Phía cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài cho biết: trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, cho đến hết tháng 11/2007, đã có 818 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 21 tỷ USD. Tính ra mới chỉ chiếm 9,7% về số dự án và 26,7% về tổng vốn đầu tư nước ngoài trong cả nước. Các dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng tập trung chủ yếu vào xây dựng (434 dự án; 4,94 tỷ USD); giao thông vận tải và bưu chính viễn thông (207 dự án; 4,28 tỷ USD); xây dựng văn phòng-căn hộ (141 dự án; 6,9 tỷ USD); xây dựng khu đô thị mới (9 dự án; 3,4 tỷ USD); xây dựng KCN (27 dự án; 1,3 tỷ USD).

Dựa trên cơ sở kết quả đầu tư này và với mục tiêu Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, định hướng ưu tiên đầu tư nước ngoài vào các ngành có tác động phát triển trong đó có xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đã được đề ra, với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD (trong tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước đến năm 2010 là 140 tỷ USD).

"Nhưng làm thế nào để trong thời gian tới đây sẽ có được nhiều nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài mạnh dạn đổ vốn vào phát triển kết cấu hạ tầng, vẫn còn là bài toán mà lời giải chưa có được một cách thật đầy đủ và thỏa mãn các yêu cầu của cả hai phía là Nhà nước Việt Nam và các nhà đầu tư". Đây không chỉ là ưu tư của ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên FIA mà còn của nhiều đại biểu tham dự hội thảo.

Ông Ngô Phúc Cường, Giám đốc Cơ sở hạ tầng, quỹ Indochina Capital và ông Lê Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư mạo hiểm, cùng chia sẻ: đến nay tuy Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung, vào phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng; nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa thực sự cảm thấy an tâm khi đầu tư vào kết cấu hạ tầng là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư cao, độ rủi ro lớn, thời gian thu hồi vốn dài... Để có nguồn vốn đầu tư cho các dự án lớn, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần có được sự bảo lãnh của Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng nhưng việc này vẫn chưa có thể thực hiện.

Tiếp đến là vấn đề chuyển đổi thành ngoại tệ để mang về nước của chủ đầu tư cũng còn lắm nhiêu khê. Ông Nguyễn Tuấn Minh, đại diện Tân Tạo - một tập đoàn đang có nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng trong cả nước, cho rằng "Các luật chơi cho cuộc chơi lớn" này vẫn còn chưa tiên liệu và bao quát hết được nên còn phát sinh nhiều hạn chế.

Tuy nhiên hầu hết các đại biểu tham dự cuộc hội thảo đều tỏ ra lạc quan rằng sẽ có những làn sóng đầu tư vào kết cấu hạ tầng cho Việt Nam trong những năm sắp tới; do những điều chỉnh chính sách thuế, chính sách đất đai cho các nhà đầu tư vào kết cấu hạ tầng được ban hành theo Nghị định 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007.