10:17 24/10/2007

“Rào cản là điều kiện để thay đổi”

Thùy Linh

"Những kinh nghiệm từ vụ nhái thương hiệu, bị đánh thuế cao ở các sản phẩm giày da, tôm, cá basa, bật lửa ga... vẫn còn nguyên giá trị"

Diễn đàn Năng suất, chất lượng lần thứ 12 do Trung tâm năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tổ chức diễn ra trong hai ngày 19 và 20/10/2007 tại Hà Nội.

Tại diễn đàn lần này, vấn đề năng suất và đổi mới được nêu ra thành chủ đề chính và trở thành những vấn đề “nóng” được các nhà lãnh đạo và quản lý, tổ chức doanh nghiệp đến từ 20 nước thành viên khu vực châu Á đặc biệt quan tâm. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thưa Thứ trưởng, diễn đàn lần này đặt ra vấn đề hướng đến thị trường toàn cầu bằng năng suất và đổi mới. Vậy thực tế đòi hỏi đối với doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, quyết định của thành công cho một quốc gia, khu vực, doanh nghiệp có lẽ là năng suất và chất lượng. Năng suất song song với nó là chất lượng. Năng suất cộng với chất lượng sẽ ra hiệu quả, hiệu quả đó quyết định sự tồn tại của một chủ thể, một doanh nghiệp hay một đơn vị. Vì vậy, hội nghị năm nay đặt ra vấn đề năng suất, chất lượng rất hợp lý với tình hình hội nhập của chúng ta hiện nay.

Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ “chơi” trên “sân nhà” mình mà phải chơi trên sân của thế giới, toàn cầu; nghĩa là phải công bằng “đá” trên các “sân” của thế giới, các doanh nghiệp phải lấy năng suất, chất lượng để so sánh, làm bàn đạp để chiếm lĩnh được thị trường không hẳn chỉ của Việt Nam mà cả ở thế giới.

Thưa ông, vậy hệ thống quản lý năng suất chất lượng của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là với WTO hay chưa?

Vấn đề này vẫn còn quá mới với chúng ta, với những chủ trương, giải pháp, bước đi, kể cả hệ thống pháp lý, pháp luật đối với vấn đề năng suất và chất lượng. Đất nước ta đổi mới được 20 năm, hệ thống hành lang cơ sở pháp lý vẫn chưa thật đầy đủ, các tiêu chuẩn chúng ta đặt ra chưa thực sự đã đạt các tiêu chuẩn của quốc tế và khu vực.

Có một số loại sản phẩm hiện nay đạt năng suất Việt Nam hay đó là tiêu chuẩn Việt Nam. Với quá trình hội nhập và tất yếu của hội nhập thì chúng ta phải lấy tiêu chuẩn của thế giới, chí ít cũng phải là tiêu chuẩn của khu vực ASEAN, và sau đó là các tiêu chuẩn của thế giới.

Các sản phẩm mà doanh nghiệp và đất nước ta làm ra không chỉ dành cho một người tiêu dùng và trong người tiêu dùng đó không chỉ có người Việt Nam chúng ta hoặc ở phạm vi khu vực mà có thể còn cả trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, cần phải tiến tới xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quản lý hệ thống tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm hàng hoá đạt tiêu chuẩn của quốc tế.

Có như vậy các sản phẩm của chúng ta mới có cơ may cạnh tranh nổi với sản phẩm nước ngoài, mở rộng được thị trường, thị phần thế giới. Trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu của hội nhập, tất cả các ngành, các sản phẩm mang thương hiệu của Việt Nam đều phải lấy tiêu chuẩn chất lượng và năng suất trên cơ sở tiêu chuẩn của quốc tế.

Có nhiều mặt hàng thời gian qua bị nước ngoài cấm nhập, đánh thuế cao. Đó là do chúng ta chưa làm tốt khâu chất lượng hay còn hở ở khâu nào, thưa Thứ trưởng?

Theo tôi, không chỉ mỗi Việt Nam mà có rất nhiều nước bị những “xử lý” đó của thị trường thế giới. Ngay cả Trung Quốc - nước rất mạnh trong sản xuất các sản phẩm với quy mô lớn và số lượng nhiều - nhưng hàng hoá của họ cũng đều gặp phải những thực tế như vậy. Ví dụ như mặt hàng đồ gỗ, hàng dệt may, giày da, phần mềm của Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề. Đó là những “học phí” mà các doanh nghiệp chúng ta phải trả.

Các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý của chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trên thị trường thế giới. Đất nước mới như con thuyền bắt đầu nhổ neo, ra đại dương lớn, đương nhiên là sẽ có nhiều sóng gió. Những kinh nghiệm từ vụ nhái thương hiệu, bị đánh thuế cao ở các sản phẩm giày da, tôm, cá basa, thuỷ sản, bật lửa ga... vẫn còn nguyên giá trị.

Thế giới có thể có những hàng rào thuế quan, kỹ thuật, tiêu chuẩn để khống chế. Thậm chí có cả những tiêu chuẩn, chính sách riêng của từng quốc gia được dùng làm hàng rào ngăn cản hàng hoá từ bên ngoài vào, bảo hộ cho hàng hoá ở trong nước. Hoa Kỳ là một quốc gia điển hình về mặt này.

Trong quá trình hội nhập vào WTO thì chúng ta sẽ có nhiều cơ may hơn, song cũng đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất nhiều hơn nữa để đảm bảo hàng hoá của chúng ta đạt được các tiêu chuẩn và có thể sẽ không bị những khó khăn, trở ngại, “xử lý” như thời gian qua.

Tuy nhiên, đó là những hạn chế. Còn khi số lượng của chúng ta ngày càng lớn, càng hội nhập thị trường thế giới thì hàng mang nhãn hiệu Việt Nam chắc chắn sẽ còn vấp phải nhiều rào cản hơn nữa. Cũng chính lý do đó sẽ là điều kiện để chúng ta thay đổi các cơ chế chính sách, đội ngũ, chúng ta phải tiến tới chuyên nghiệp hoá hơn và cũng quan trọng hơn là nguồn lực con người.

Thưa Thứ trưởng, hệ thống pháp lý còn non yếu, để đáp ứng được yêu cầu của hội nhập, chúng ta nên làm thế nào để giúp các doanh nghiệp Việt Nam đỡ phải trả những khoản “học phí” cao?

Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ tiếp tục giao soạn thảo các luật và các văn bản dưới luật liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho các doanh nghiệp, cơ sở để họ có thể đáp ứng được các yêu cầu về mặt nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm.

Thêm vào đó là đào tạo, tạo điều kiện hỗ trợ để đào tạo nguồn lực cho lĩnh vực tiêu chuẩn chất lượng. Làm được điều đó sẽ giúp chúng ta tiến đến xây dựng được một hệ thống các tiêu chuẩn sản phẩm của Việt Nam để sản xuất cũng như vươn ra thị trường thế giới.

Còn với khối doanh nghiệp, ông có lời khuyên nào cho họ trước yêu cầu hội nhập để họ có thể đứng vững ở trên sân nhà và vươn tới hội nhập toàn cầu?

Theo tôi, có lẽ các doanh nghiệp của chúng ta nên luôn luôn đổi mới, cải tiến, để đáp ứng yêu cầu khó tính nhất.