Sửa đổi Nghị định 116: Điều doanh nghiệp ôtô cần có được lắng nghe?

Bạch Huệ
Điều doanh nghiệp ôtô thực sự cần khi sửa đổi Nghị định 116 là loại bỏ các điều kiện nhập khẩu xe nguyên chiếc và thủ tục rườm rà gây tăng chi phí
Doanh nghiệp ôtô đang bị kìm kẹp bởi những điều kiện nhập khẩu khắt khe, tốn chi phí.
Doanh nghiệp ôtô đang bị kìm kẹp bởi những điều kiện nhập khẩu khắt khe, tốn chi phí.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 116 năm 2017 đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Dự kiến, nhiều điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô được quy định tại Nghị định 116 năm 2017 sẽ được bãi bỏ, sửa đổi trong thời gian tới.

Điều doanh nghiệp ôtô thực sự cần có được lắng nghe?

Theo đó, Dự thảo sửa đổi, bãi bỏ các quy định về điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, an toàn phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy. Theo đó, bãi bỏ khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP.

Khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP đang đưa ra các điều kiện sau:

Người phụ trách kỹ thuật các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô phải có trình độ đại học trở lên, thuộc ngành cơ khí, ôtô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô tối thiểu 5 năm.

Có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy.

Như vậy, nếu đề xuất của Bộ Công Thương được chấp thuận, việc quản lý nhà nước sẽ chuyển hướng từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các điều kiện này mà sẽ không đặt ra trong điều kiện cấp giấy phép kinh doanh.

Tuy nhiên, góp ý về dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định trên là không thay đổi về điều kiện sản xuất, lắp ráp ôtô, các doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật liên quan.

Quy định tại Nghị định 116 và Dự thảo đều dẫn chiếu chung chung theo hướng "theo quy định của pháp luật về …". Xét bản chất, dù Dự thảo có quy định hay không thì doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động; phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc Dự thảo bổ sung Điều 1 về các quy định này là không cần thiết.

VCCI cho rằng việc sửa đổi những quy định trên của Nghị định 116 vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của doanh nghiệp. Cụ thể, thời gian qua, VCCI nhận được nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ôtô nước ngoài về một số vướng mắc liên quan đến quy định tại Nghị định 116.

Nghị định 116 yêu cầu kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và an toàn kỹ thuật cho từng lô xe ôtô nhập khẩu. Quy định này làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp kiến nghị thay đổi theo hướng chứng nhận, thử nghiệm lần đầu và chấp nhận kết quả cho các lô hàng tiếp theo có cùng kiểu loại nếu không có sự thay đổi về thông số kỹ thuật.

Nghị định 116 quy định "Lô xe nhập khẩu là các ôtô thuộc một tờ khai hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp nhập khẩu ôtô" có nghĩa, nếu 1 lô hàng có cùng vận đơn, cùng hóa đơn, cùng cảng đích, có số thuế nhập khẩu từ 12 chữ số sẽ phải làm thủ tục khai báo hải quan bằng giấy mà không sử dụng được hệ thống VNACCS, vì phải tách tờ khai để giảm trị giá. Nếu tách tờ khai sẽ phải lấy ít nhất 2 xe ôtô nhập khẩu thay vì 1 xe đi làm mẫu. Điều này sẽ gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đề nghị  bổ sung sửa đổi điểm này thành"một lô xe nhập khẩu là một lô hàng mà các ôtô có chung một vận đơn"

Nghị định 116 yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan thẩm quyền nước ngoài (VTA). Một số doanh nghiệp cho biết, các hãng có xe nhập nguồn từ Nhật Bản đều không thể có VTA do Chính phủ Nhật không có cơ chế hoặc quy định về cấp VTA. Doanh nghiệp kiến nghị chấp thuận phương án thay thế VTA bằngmột trong nhiều giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp.

Sẽ kiểm tra ôtô nhập khẩu theo kiểu loại thay vì theo lô

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản sửa đổi quy định của Nghị định 116/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô, trong đó ôtô nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại.

Cụ thể, thay vì hình thức kiểm tra theo lô như quy định hiện hành, Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 116/2017 theo hướng các xe nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

"Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng sửa nghị định theo hình thức rút gọn. Cố gắng đến cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ ban hành nhanh" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc sửa đổi Nghị định 116 là phù hợp trong bối cảnh thị trường ôtô, hoạt động nhập khẩu ôtô đã đi vào ổn định.

Thực tế trong 2 năm qua sau khi nghị định được ban hành, ngành ôtô trong nước đã có bước phát triển nhất định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý nhà nước cũng chặt chẽ hơn, không còn tình trạng lộn xộn trong hoạt động nhập khẩu xe.

Bằng chứng là lượng xe nhập khẩu tăng, các hãng xe đều xác nhận nguồn gốc và kiểu loại, thực hiện nghiêm túc quy định của Nghị định 116. Vì vậy, với năng lực của các trung tâm đăng kiểm hiện nay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng việc cải cách trong quản lý, chuyển sang hậu kiểm là phù hợp.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.