08:19 08/06/2018

Sửa Luật Công an: Tướng thì phải cầm quân?

Nguyễn Lê

Giờ một số vị trí làm công tác tham mưu, công tác khám chữa bệnh, công tác khoa học, nghệ thuật, kinh tế thì quy định cấp tướng có phù hợp không?

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga: người dân quan niệm là tướng thì phải cầm quân.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga: người dân quan niệm là tướng thì phải cầm quân.

Qua nhiều cuộc tiếp xúc thì cử tri có phản ánh việc cân nhắc số lượng tướng, nhất là vị trí phong tướng và người dân quan niệm là tướng thì phải cầm quân, đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội góp ý sửa Luật công an nhân dân.

Thảo luận tại tổ chiều 6/7 về những nội dung sửa đổi, nhiều đại biểu còn băn khoăn về quy định cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng với giám đốc công an tỉnh. Khá nhiều ý kiến không đồng tình với quy định này, nhưng cũng có ý kiến bày tỏ đồng tình mạnh mẽ.

"Giờ một số vị trí làm công tác tham mưu, công tác khám chữa bệnh, công tác khoa học, nghệ thuật, kinh tế thì quy định cấp tướng có phù hợp không? Người dân phản ánh thì chúng ta cũng phải nên có lý giải", đại biểu Lê Thị Nga phát biểu.

Chủ nhiệm Nga cũng cho biết, qua tiếp xúc với một số người làm ở những vị trí này thì có ý kiến nói không nhất thiết hàm cấp tướng nhưng cần chính sách phù hợp. Còn với với cấp tỉnh, đại biểu Nga cho rằng cũng cần cân nhắc địa bàn phức tạp, nơi có số lượng quân lớn để thể hiện đó là tướng cầm quân.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk băn khoăn là sau khi bỏ tổng cục thì cục trưởng và giám đốc công an là cấp liền kề với cấp lãnh đạo Bộ Công an, tương đương nhau nhưng cục trưởng cấp hàm lên đến thiếu tướng, trung tướng trong khi giám đốc công an chỉ là đại tá là không hợp lý.

Hơn nữa, theo bà Xuân thì giám đốc công an cấp tỉnh được quy hoạch thứ trưởng "mà chỉ là đại tá thì đến nghỉ hưu cũng không lên được hàm trung tướng, thượng tướng".

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng cho rằng chỉ ở những tỉnh, thành được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 mới có cấp hàm lên đến thiếu tướng cũng là điều cần nghiên cứu. Vì việc phân loại tỉnh căn cứ vào quy mô dân số, đơn vị hành chính trực thuộc, diện tích... còn tình hình an ninh chính trị địa bàn lại là câu chuyện khác, có nơi thậm chí phức tạp hơn. Do đó, khi quy định về cấp hàm cần quan tâm yếu tố địa chính trị bên cạnh các yếu tố khác.

"Các đồng chí giám đốc công an đều tham gia thường vụ, chức năng, nhiệm vụ như nhau. Cục trưởng có 200-300 quân, còn giám đốc công an tỉnh quản lý từ 3000-4000 quân. Nếu chỉ ưu tiên tỉnh thành loại 1 thì rất là khó", bà Xuân phân tích.

Cùng quan điểm với một số vị ở tổ thảo luận khác, bà Xuân nhấn mạnh rằng theo mô hình đổi mới của ngành công an thì số lượng cấp tướng không hề tăng, thậm chí chưa đạt đến con số mà Bộ Chính trị quy định (205 tướng - PV). Do đó, bà Xuân đề nghị nên quy định cấp hàm cao nhất là thiếu tướng đối với toàn bộ giám đốc công an các tỉnh, thành.

Cũng liên quan đến nội dung trên, đại biểu Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tán thành quy định như dự thảo nhưng theo hướng chọn địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự và để tránh số lượng tướng tăng lên so với luật cũ quy định thì nên khống chế bằng tiêu chí hay tổng số cấp tướng trong công an.

Theo ông Phạm Minh Chính, quân đội thì có cấp trung gian là quân khu còn công an là lực lượng ở tỉnh rất đông và tính chất địa bàn phức tạp. Việc phong hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an mà không phong với chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng có lý của nó mà chúng ta giải thích được.