16:02 20/10/2020

Sức ép quá lớn từ trụ, VN-Index chật vật tăng

Lan Ngọc

Chỉ đến vài phút cuối cùng của phiên giao dịch VN-Index mới có được màu xanh. Mặc dù cổ phiếu tăng giá khá nhiều nhưng sức ép ở các cổ phiếu vốn hóa lớn là quá nặng.

Chỉ số VN30-Index đã đạt mốc điểm số cao nhất kể từ đầu năm 2020.
Chỉ số VN30-Index đã đạt mốc điểm số cao nhất kể từ đầu năm 2020.

VN-Index đóng cửa tăng 0,08% so với tham chiếu, tức là chỉ bước qua mức đóng cửa hôm qua 0,73 điểm. Chỉ số chỉ có duy nhất hai lần vượt được tham chiếu trong phiên là lúc 2h26 và 2h29 và cũng chỉ xanh ở 1 phút duy nhất (số liệu VN-Index tính theo phút).

Độ rộng của HSX cũng không phải là kém, với 200 cổ phiếu tăng giá/189 cổ phiếu giảm giá. VN30 cũng tốt với 17 mã tăng/10 mã giảm. Lý do duy nhất khiến VN-Index quá chật vật vượt tham chiếu là do một số cổ phiếu vốn hóa lớn giảm quá mạnh.

VNM giảm 1,39%, SAB giảm 1,12% và GAS giảm 1,89% là 3 mã ảnh hưởng xấu nhất. VNM từ khi có kết quả kinh doanh giá đã giảm gần như liên tục và từ đầu tháng 10 tới nay mất 2,5% giá trị. SAB cũng giảm trong 3 phiên gần nhất, mất khoảng 2,32%. GAS có phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp, mất tổng cộng 3,71%. 3 cổ phiếu này đã khiến VN-Index mất khoảng 2 điểm trong phiên.

Một yếu tố nữa khiến thị trường có cảm giác mệt mỏi khó tăng là đã không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt thực sự. Giao dịch sôi động tại vài mã ngân hàng nhưng cũng chỉ có TCB là tăng đáng kể 3,91% và có sức ảnh hưởng, còn lại EIB tăng 1,74%, HDB tăng 2,22%, MBB tăng 2,47%, VPB tăng 1,43% chủ đạo kéo VN30-Index.

Thực vậy, các chỉ số ngoài VN-Index đều tăng có phần rõ hơn: VN30-Index tăng 0,66%, VNMidcap tăng 0,56% và VNSmallcap tăng 0,37%. HSX có khoảng 80 cổ phiếu tăng vượt 1% và những giao dịch đáng chú ý nhất vẫn dồn vào những blue-chips đang là tâm điểm của thị trường hiện tại.

Đó là MSN đã chính thức thoát khỏi nhịp chốt lời ngắn hạn bằng phiên tăng 2,07% hôm nay, thanh khoản bùng nổ trở lại với 4,86 triệu cổ, tăng 59% so với hôm qua. Giá trị khớp lệnh cũng vọt lên 404 tỷ đồng. TCB cũng kết thúc vòng T+3 đầu tiên thành công, giá quay lại tăng 3,91% lên 23.900 đồng, áp sát đỉnh cao nhất đầu năm 2020. Thanh khoản của TCB lại có một phiên gây sốc nữa khi đạt 34,66 triệu cổ tương đương 823,5 tỷ đồng.

Sức ép quá lớn từ trụ, VN-Index chật vật tăng - Ảnh 1.

Cổ phiếu MSN đã quay trở lại đà tăng mạnh sau khi vượt qua áp lực chốt lời.

Hiện tượng tập trung dòng tiền khổng lồ vào một nhóm blue-chips không chỉ tạo sự sôi động đáng chú ý mà còn giúp thị trường có được điểm tựa về tâm lý. Ít nhất đây là các địa chỉ thể hiện sức mạnh của dòng tiền vì các mã này đang liên tục lập kỷ lục về thanh khoản mà giá tiếp tục vượt lên mức cao hơn. Các cổ phiếu này vẫn chưa "quỵ" thì xu hướng tăng vẫn có thể tiếp tục, dù tốc độ tăng vẫn bị cản trở bởi những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đi ngược hướng.

Dòng tiền hiện tại chủ đạo tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, cộng thêm hiện tượng MSN gần đây và HPG. HPG vốn luôn duy trì mức giao dịch rất cao kể từ khi được nhiều công ty chứng khoán sử dụng làm tài sản cơ sở cho Chứng quyền (đơn vị phát hành phải giao dịch phòng vệ). Ngược lại, MSN, TCB, CTG, VPB, STB đang xuất hiện thanh khoản đột biến so với bình quân.

Các cổ phiếu này cũng là nguồn cơn của mức thanh khoản chung ở ngưỡng kỷ lục trên hai sàn. Kể từ đầu tháng 10 tới nay (14 phiên giao dịch) đã có tới 9 phiên quy mô khớp lệnh hai sàn vượt mốc 8.000 tỷ đồng/ngày. Đó là mức thanh khoản cao được duy trì liên tục chưa từng có trong lịch sử thị trường.

Mặc dù khả năng hút tiền của các cổ phiếu trọng điểm là cực kỳ ấn tượng nhưng mức tăng trong tháng 10 vẫn có sự phân hóa nhiều. MSN vẫn đang giữ vị trí số 1 của nhóm blue-chips thanh khoản cao nhất khi tăng 54,6%. CTG tăng 20,9%. Còn lại như TCB mới tăng 5,75%, VPB tăng 4,42%, STB tăng 2,9%... Không phải cổ phiếu nào nhận được dòng tiền lớn cũng có bứt phá về giá.

Thanh khoản lớn cũng là một nhân tố giúp giá cổ phiếu chống đỡ được áp lực rút vốn của khối ngoại. Không chỉ tổng quy mô giao dịch hàng ngày rất ấn tượng như mới nói ở trên, khối ngoại cũng bán ròng ở quy mô gây choáng. Liên tục các phiên khối này xả cổ phiếu quy mô ngàn tỷ đồng, đến hôm nay là phiên thứ 5 liên tục. Tổng giá trị bán ở sàn HSX phiên này lên đến 1.717 tỷ đồng và bán ròng 952 tỷ đồng. MSN, VPB, CTG bị bán ròng cực lớn lên tới hàng triệu cổ. Nếu không có sức cầu lớn từ nhà đầu tư trong nước thì giá không thể tăng được.