16:05 11/07/2016

Tái cơ cấu ngân hàng còn một thử thách lớn

Minh Đức

Điều chưa làm được trong giai đoạn 2011-2015 đến nay vẫn thử thách, nhưng có chuyển biến

Tỷ lệ LDR của khối ngân hàng thương mại nhà nước đã có cải thiện khi rút về được 95,67% đến tháng 5/2016, nhưng chắc chắn sẽ rất khó để giảm được xuống 90%.
Tỷ lệ LDR của khối ngân hàng thương mại nhà nước đã có cải thiện khi rút về được 95,67% đến tháng 5/2016, nhưng chắc chắn sẽ rất khó để giảm được xuống 90%.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án tái cơ cấu tiếp tục từ 2016-2020. Trong các kết quả chuyển giao, có một thử thách lớn mà giai đoạn 2011-2015 không thể xử lý.

Đó là tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR). Tưởng như nó chỉ gắn với riêng mỗi ngân hàng thương mại, nhưng lại quyết định đến cả các vấn đề vĩ mô và ổn định, an toàn hệ thống.

Chưa thể thực hiện

Số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, LDR của khối ngân hàng thương mại Nhà nước tính đến tháng 5/2016 ở mức 95,67%.

Trong phân định để thống kê dữ liệu hoạt động ngân hàng hiện nay, khối ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, dù 3/4 thành viên nhóm này đã cổ phần hóa. Từ 2015, khối ngân hàng thương mại Nhà nước có thêm ba “ngân hàng 0 đồng” sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại.

Phân định trên để phân biệt với khối ngân hàng thương mại cổ phần.

Với LDR 95,67% nói trên, mục tiêu hạ được về 90% ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước, đặt ra trong đề án tái cơ cấu hệ thống 2011-2015, đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

Tuy nhiên, so sánh với quá khứ và tình hình hiện tại, 95,67% là bước cải thiện mới và rõ rệt nhất trong nhiều tháng qua (theo dữ liệu cập nhật định kỳ hàng tháng). Không xa, ngay đầu năm 2016, tỷ lệ này từng ở mức 99,11%. Xa hơn, trong quá khứ đã từng vượt trên 100%, như trong năm 2011.

Như trên, LDR không đơn thuần là một chỉ báo kỹ thuật đối với riêng với mỗi ngân hàng. Nó còn ảnh hưởng, phản ánh cho tầm vĩ mô và an toàn hệ thống.

Hiểu đơn giản, LDR là mức độ cho vay của các ngân hàng so với lượng vốn huy động được. Cũng lưu ý rằng, lượng vốn huy động còn phải cất kho theo yêu cầu dự trữ bắt buộc.

LDR là một chỉ báo về rủi ro thanh khoản. Nó càng cao thì càng nóng, càng tiềm ẩn rủi ro. Bình thường, thời gian qua và hiện nay nó như đám than đang vạc lửa, nhưng nếu có những làn gió mạnh như từ thị trường vàng, chứng khoán thổi tới thì tia lửa có thể bùng lên… Theo đó, giảm được LDR là một mục tiêu được nêu rõ trong đề án tái cơ cấu.

Thực tế trên là tồn đọng của quá khứ nhiều năm trước. Đã có cải thiện khi rút về được 95,67% đến tháng 5/2016, nhưng chắc chắn sẽ rất khó để giảm được xuống 90%.

Không thể lạnh lùng

Vì sao khó rút về? Trong các nguyên do, trước hết là gắn với mục tiêu vĩ mô.

Vừa qua, sự kiện Bộ Tài chính yêu cầu BIDV và VietinBank trả cổ tức bằng tiền mặt. BIDV có báo cáo chi tiết về thực tế khi đáp ứng yêu cầu này. Trong đó, tình huống suy giảm tín dụng nói chung, dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế được lượng hóa rất cụ thể, trực tiếp như bình thông đáy.

Sự kiện trên cũng là một dẫn chứng lý giải cụ thể nhất vì sao khó giảm được LDR của khối ngân hàng thương mại Nhà nước về 90%.

Thông thường, nếu lạnh lùng theo lý thuyết, để thực hiện mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước chỉ việc cắt hoặc áp rất thấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của khối này. Sau vài ba năm sẽ giảm được, đạt mục tiêu.

Thế nhưng, với tỷ trọng tới trên dưới 50% nguồn vốn cho vay đối với nền kinh tế, nếu cắt hoặc giảm thấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm của khối này, tăng trưởng kinh tế chắc chắn có phần hụt hơi (có thể lượng hóa rất cụ thể như BIDV vừa đưa ra trong sự kiện trên).

Năm nay, Chính phủ liên tục thể hiện quyết tâm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, cao hơn năm ngoái dù nửa đầu năm nay đã có dấu hiệu kém đi. Trong bối cảnh đó, giảm được LDR của khối ngân hàng thương mại Nhà nước về 90% khó càng thêm khó.

Xét ở khía cạnh khác, áp lực cân đối LDR tại mỗi ngân hàng thương mại Nhà nước cũng gắn với thực tế: họ phải gia tăng được mẫu số vốn huy động, để gia tăng trực tiếp vẫn là qua cạnh tranh lãi suất.

Điều này lý giải vì sao BIDV và Vietinbank trong một năm trở lại đây đã áp lãi suất huy động ngang ngửa với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, thậm chí cao hơn ở một số kỳ hạn ngắn so với Sacombank, ACB, Eximbank…

Và, cũng chính áp lực cạnh tranh lãi suất huy động, để cân đối và xoa dịu LDR, khiến mục tiêu giảm lãi suất cho vay thêm một phần trở ngại.

Trong khi đó, nhìn sang khối ngân hàng thương mại cổ phần, dữ liệu thống kê đều đặn cập nhật cho thấy LDR của họ luôn tuân thủ giới hạn, dưới 80%, như quy định tại Thông tư 36.