09:47 05/05/2009

Tín dụng xuất khẩu hai chiều: Ngân hàng “nội” lép vế

Nguyễn An Thơ

Nhiều nước trên thế giới vẫn sử dụng tín dụng xuất khẩu hai chiều để kích thích khả năng xuất khẩu nước mình

Không nhất thiết phải là ngân hàng quốc doanh mới có thể triển khai nghiệp vụ tín dụng xuất khẩu hai chiều mà các ngân hàng thương mại cổ phần lớn vẫn có thể thực hiện.
Không nhất thiết phải là ngân hàng quốc doanh mới có thể triển khai nghiệp vụ tín dụng xuất khẩu hai chiều mà các ngân hàng thương mại cổ phần lớn vẫn có thể thực hiện.
Ngày 20/12/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 151/2006/NĐ - CP về “Tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước”, trong đó có đề cập tới vấn đề cho nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu vay tiền.

Theo bà Nguyễn Thanh Sơn, trợ lý đầu tư LienVietBank, “tín dụng xuất khẩu hai chiều” được hiểu là cho doanh nghiệp trong nước vay tiền để tìm kiếm nguồn hàng xuất khẩu, đồng thời cho vay đối với nhà nhập khẩu nước ngoài mua hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, nhiều nước trên thế giới vẫn sử dụng công cụ này để kích thích khả năng xuất khẩu nước mình. Chẳng hạn với Trung Quốc, họ thực hiện chính sách này rất rõ ràng và cho phép một số ngân hàng lớn có mô hình hoạt động tương tự như ngân hàng quốc doanh tại Việt Nam (ngân hàng cổ phần nhưng nhà nước nắm giữ tỷ lệ cổ phần ưu thế) thực hiện.

Điển hình trong danh mục hàng hóa mà Trung Quốc áp dụng theo chính sách nói trên là xuất khẩu sản phẩm hóa chất, phân bón, sắt thép, đặc biệt là máy móc công nghiệp.

Chưa triển khai vì e ngại

Nhiều năm gần đây, trong các cuộc họp bàn triển khai một số dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, khái niệm “nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất của nước ngoài” tham gia vào cơ cấu vốn trong dự án không còn xa lạ và dự án mở rộng Nhà máy giấy Bãi Bằng, với tổng mức đầu tư 7 nghìn - 8 nghìn tỷ đồng là một trong nhiều ví dụ.

Hay mở rộng hơn, trong dòng vốn ODA Nhật tài trợ cho Việt Nam, có một tỷ lệ khá lớn được tính bằng máy móc, nguyên vật liệu do chính nước Nhật sản xuất.

Xác định đây là lĩnh vực không dễ triển khai do tính rủi ro khá cao, từ năm 2006, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đảm trách nhiệm vụ này dựa trên nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhà nước.

Tuy nhiên, trong số hàng chục nghìn tỷ đồng VDB giải ngân cho tín dụng xuất khẩu mỗi năm vẫn chưa có một hợp đồng cho nhà nhập khẩu nước ngoài vay.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc VDB nói: “Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho VDB thực hiện hỗ trợ cho cả đầu mua hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, muốn triển khai thì sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải có trí tuệ và tích lũy tri thức cao thì VDB sẵn sàng cho vay đối với doanh nghiệp các nước mua hàng hóa của Việt Nam”.

Khai thông bằng bảo lãnh Chính phủ

Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn cho biết, nghiệp vụ cho vay nhà nhập khẩu đã được triển khai hàng chục năm nay ở các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia nhưng ở Việt Nam, công cụ này vẫn hết sức xa lạ.

Ông Vị phân tích, không nhất thiết phải là ngân hàng quốc doanh mới có thể triển khai nghiệp vụ này mà các ngân hàng thương mại cổ phần lớn vẫn có thể thực hiện. Dĩ nhiên, điều kiện đảm bảo là phải có sự hỗ trợ từ hành lang pháp lý đến tài chính của Chính phủ.

Đồng tình, bà Sơn cho rằng, để tránh rủi ro, cấp tín dụng cho nhà nhập khẩu nước ngoài mua hàng hóa Việt Nam đòi hỏi phải giải quyết hàng loạt vấn đề như tạo hành lang pháp lý, phương thức cấp tín dụng, điều kiện tài sản đảm bảo, khả năng thẩm định dự án, thông tin khách hàng, kiểm soát rủi ro, bảo hiểm....

Tuy nhiên, nếu giữa hai Chính phủ ký kết với nhau bằng các hiệp định khung bảo lãnh thanh toán thì hoạt động này gần như rất ít trở ngại.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho biết, mặc dù vẫn còn nhập khẩu thức ăn chăn nuôi nhưng riêng với thị trường Lào và Campuchia, mỗi năm Việt Nam vẫn xuất khẩu vào hai nước này khoảng 400 - 500 nghìn tấn.

Nếu các ngân hàng trong nước cho vay đối với các nhà nhập khẩu của Lào và Campuchia thì doanh số này hàng năm sẽ còn tăng thêm.

Theo bà Sơn, khi đã có hành lang pháp lý hoặc bảo lãnh giữa hai chính phủ, các doanh nghiệp và ngân hàng sẽ vào cuộc tích cực hơn.

“Trong điều kiện Việt Nam lựa chọn xuất khẩu làm động lực tăng trưởng và có những thế mạnh nhất định về sản phẩm chế biến công nghiệp thực phẩm như hạt điều, cao su, cà phê, ca cao... thì việc đề ra một chiến lược tổng thể cho xuất khẩu, trong đó đẩy mạnh cấp tín dụng cho nhà nhập khẩu nước ngoài là việc nên làm”, bà Sơn nói.