14:51 20/07/2009

Xóa nghèo: Vẫn chuyện “con cá”, “cần câu”

Hoàng Ly

Chuẩn nghèo thay đổi, tỷ lệ tái nghèo tăng trở lại, việc xác định cách thức xóa nghèo lại đặt ra từ thực tế tại tỉnh Khánh Hòa

Chị Bi Năng Thị Điu ở thôn Đa Răm (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), một trường hợp được hỗ trợ và đã thoát nghèo bền vững - Ảnh: HL.
Chị Bi Năng Thị Điu ở thôn Đa Răm (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), một trường hợp được hỗ trợ và đã thoát nghèo bền vững - Ảnh: HL.
Chuẩn nghèo thay đổi, tỷ lệ tái nghèo tăng trở lại, việc xác định cách thức xóa nghèo lại đặt ra từ thực tế của tỉnh Khánh Hòa.

Theo một nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, tỷ lệ giảm nghèo của huyện Khánh Vĩnh (là một trong hai huyện nghèo nhất tỉnh Khánh Hòa) giảm từ 54,66% năm 2006 xuống còn 23,26% vào năm 2008. Nếu tính theo tỷ lệ phần trăm thì số hộ nghèo (toàn bộ là đồng bào dân tộc) đã giảm tới gần 60% trong thời gian này.

Thế nhưng, khi chuẩn nghèo thay đổi (từ 250.000 đồng/người/tháng lên 360.000 đồng/người/tháng), tỷ lệ người nghèo tại huyện Khánh Vĩnh lại gần như trở lại mức ban đầu của năm 2006 (hiện ở mức 51,4% theo chuẩn mới).

Nhưng chuyện người nghèo tái nghèo khi chuẩn nghèo thay đổi chưa phải là vấn đề nhức nhối nhất trong công cuộc xóa nghèo tại tỉnh không nghèo này. Nhìn vào cách hỗ trợ người nghèo để thoát nghèo tại đây, chính những cán bộ làm tại địa phương cũng thấy không ổn.

Một lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh cho biết, trong những năm qua, cách hỗ trợ người nghèo tại địa phương này chủ yếu theo cách “cho không”, nôm na là cho người dân cá chứ không hướng dẫn để người dân có cái cần câu. “Đây là cách làm không thực sự hiệu quả, không giúp người dân thay đổi cách thức làm ăn để có thể thoát nghèo bền vững”, vị lãnh đạo này nói.

Song bên cạnh đó, còn những cách hỗ trợ khác cho những người nghèo, như cách làm của dự án của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam. Thay vì cho không người nghèo con giống, vật tư, nước sạch…, họ yêu cầu người dân phải vay (vốn đầu tư cho con giống, giống cây trồng…), cũng như phải trả tiền cho những thứ người dân nhận được (như nước sạch, dù với giá rẻ).

Quan điểm xóa nghèo của dự án này là phải xuất phát từ nhu cầu thiết yếu thực tế nhất của những người nghèo, phát huy nội lực của chính người nghèo, đem lại cho họ cơ hội để tự họ thay đổi cuộc sống của chính mình. Dự án không coi người nghèo là những người quá thụ động và ỷ lại, họ coi những người nghèo nhất là những người có khả năng vươn lên nhưng cần có sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng, được hỗ trợ vào thời điểm cần thiết nhưng phải hoàn trả những hỗ trợ đó chứ không phải cấp phát miễn phí mọi thứ.

Một điểm khác nữa là dự án này chỉ tập trung vào những người nghèo nhất và gần như không có khả năng thoát nghèo trong nhiều năm. Còn khi thực hiện, các cán bộ dự án này cũng có điểm khác: họ là những cán bộ đi giảm nghèo thường xuyên tổ chức họp đêm với bà con dân tộc nghèo để cùng tìm ra cái người nghèo cần hỗ trợ nhất là gì. Họ phải họp đêm đơn giản là ban ngày những người họ cần giúp đỡ không ở nhà và không tập hợp đủ được mọi người để bàn bạc. Và nếu họp ban ngày, họ sẽ không có được một yếu tố quan trọng giúp người nghèo thoát nghèo: tính cộng đồng.

Trong số các tấm gương thoát nghèo mà dự án này, có thể kể đến chị Bi Năng Thị Điu ở thôn Đa Răm (huyện Khánh Vĩnh). Chị Điu vốn là một người khuyết tật, chồng mất, phải nuôi tới 4 đứa con nhỏ và sau đó còn nhận nuôi thêm một người con của hàng xóm nữa do bố mẹ chết hết suýt bị chôn theo do đứa nhỏ quá ốm và không có ai nuôi. Khó có thể tin một người phụ nữ dân tộc nghèo với hoàn cảnh như vậy lại có thể thoát nghèo bền vững.

Nhưng nhờ có được vay vốn gần 5 triệu đồng từ dự án để mua bò vào đúng lúc, được sự hỗ trợ về cách chăm sóc bò, cách chăm sóc cây trồng, và quan trọng hơn là nhờ  nỗ lực của chính chị Điu, giờ chị Điu đã có 2 con bò, một con đang chửa tiếp; có hàng trăm gốc thơm (dứa), cả trăm nghìn gốc mì, cả nghìn gốc chuối… Chị Điu cũng đã có giường, có nhà gạch, tivi… và đã thoát nghèo thực sự. Nhìn chị Điu, ai dám nói là người nghèo nhất không thể thoát nghèo bằng chính năng lực của họ?

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải người dân tộc nghèo nào được giúp đỡ cũng có khả năng thoát nghèo như chị Điu. Theo thống kê sơ bộ từ Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam, trong số 100 người nghèo nhất được dự án này hỗ trợ thoát nghèo thì chỉ có khoảng 40 người có khả năng thoát nghèo bền vững.

Ông Lê Phán, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh, nhận xét: việc thực hiện của mô hình xóa nghèo của dự án này cũng còn những vấn đề phải bàn chứ không phải là toàn màu hồng. Tuy nhiên, ông Phán cũng nói: nếu xét về cách thức làm thì dự án xóa nghèo trên là đúng hướng và có hiệu quả hơn.

“Đem lại cho người nghèo cơ hội, yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm về những thứ họ được trợ giúp và giúp họ tạo được cái cần câu cá sẽ tốt hơn nhiều việc chỉ cho cá”, ông Phán nhận xét.

Vào thời điểm hiện nay, khi chuẩn nghèo đã thay đổi, tỷ lệ tái nghèo đang tăng trở lại thì việc xác định lại cách thức xóa nghèo như thế nào cho hiệu quả là một vấn đề quan trọng. Và cũng vì thế, chuyện hai mô hình xóa nghèo, tỷ lệ tái nghèo sau khi có chuẩn nghèo mới ở huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa không chỉ là câu chuyện của huyện và tỉnh đó mà là câu chuyện của cả nước.

Tiếp tục chính sách cho không người nghèo mọi hỗ trợ hay yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về những khoản hỗ trợ họ được nhận (tất nhiên là phải đi kèm với nhiều nỗ lực hơn từ các cán bộ làm công tác giảm nghèo) sẽ là một câu hỏi rất cần được trả lời sớm để công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam không bị tụt lùi khi có chuẩn nghèo mới.