10:57 25/10/2007

Tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại

Quốc Trung

Hội nghị bộ trưởng tài chính G7 ra Tuyên bố chung cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2007 sẽ chậm lại

Vấn đề USD liên tục giảm giá so với nhiều đồng tiền khác trong thời gian gần đây cũng là một vấn đề không dễ giải quyết tại cuộc họp của G7.
Vấn đề USD liên tục giảm giá so với nhiều đồng tiền khác trong thời gian gần đây cũng là một vấn đề không dễ giải quyết tại cuộc họp của G7.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) gồm Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Italia và Nhật Bản, vừa diễn ra tại Washington (Mỹ) đã ra Tuyên bố chung cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2007 sẽ chậm lại.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng diễn biến ngày càng xấu đi của thị trường nhà đất Mỹ, sự trượt giá của đồng USD và giá năng lượng tăng cao, tiếp tục tác động đến sự phát triển của kinh tế toàn cầu. Hội nghị cam kết sẽ làm tất cả để hạn chế tối đa tổn thất cho nền kinh tế thế giới.

Tác động của khủng hoảng tín dụng

Hội nghị đã tập trung thảo luận việc nâng cao ảnh hưởng của quỹ đầu tư với sự hợp tác của các chính phủ tại Trung Quốc và Trung Đông, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của quỹ này trên thị trường thế giới vì tình hình thực tế khó có thể kiểm soát nổi.

Các quan chức tham dự hội nghị kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Nhiều nước cho rằng, đồng Nhân dân tệ bị đánh giá thấp hơn giá trị thực của nó. Đây được cho là nguyên nhân khiến mức thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng lớn và hàng triệu người Mỹ mất việc làm. Trong khi đó, thâm hụt thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc cũng tăng 22% trong nửa đầu năm 2007.

Vấn đề USD liên tục giảm giá so với nhiều đồng tiền khác trong thời gian gần đây cũng là một vấn đề không dễ giải quyết tại cuộc họp của G7. Hiện 1 EUR đổi được hơn 1,4 USD. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, sở dĩ đồng USD bị xuống giá là do sự chững lại của nền kinh tế Mỹ và khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể giảm lãi suất trực tiếp sau ngày 31/10 tới.

Sự tăng giá của EUR so với USD thời gian qua đã gây lo ngại sâu sắc tại châu Âu rằng nó sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng của châu lục này chậm lại, từ đó tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Đồng tiền này đã tăng 8,1% so với USD trong 9 tháng đầu năm 2007.

Trong khi đó, xu hướng tăng giá của EUR so với USD chưa có dấu hiệu thay đổi, điều đó chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của châu Âu, nhưng cũng lo ngại đồng EUR mạnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển vì đồng EUR mạnh có thể làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa các nước sử dụng đồng tiền này trên thị trường quốc tế và ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa của đối tác nước ngoài, một yếu tố đang được xem là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự tăng trưởng của EU.

Sức mạnh của các nền kinh tế mới nổi

Trong khi các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm G-7 đánh giá mức độ thiệt hại mà các nền kinh tế của họ phải đối mặt do sự kiểm soát tín dụng, bắt nguồn từ tình trạng không trả được nợ đang gia tăng trong thị trường cầm cố thứ cấp ở Mỹ, các nền kinh tế mới nổi đã nêu bật các triển vọng sáng sủa của mình.

Theo các chuyên gia kinh tế, các nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng và ít bị tác động bởi hoạt động cho vay ồ ạt đang tác động đến nền kinh tế của các nước giàu. Các nền kinh tế mới nổi này ngày càng tăng cường ảnh hưởng trong các thể chế tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

11 khu vực gồm Việt Nam, Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Hàn Quốc, Mexico, Nigeria, Pakistan, Philippinnes và Thổ Nhĩ Kỳ được Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs cho rằng sẽ thách thức các nền kinh tế đang bùng nổ mạnh như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Theo số liệu của ngân hàng này, trong ba năm qua, tăng trưởng kinh tế của 11 nước trên đạt trung bình 5,9%; cao nhất trong 15 năm qua và tăng hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng bình quân 2,3% của châu Âu.

Tình trạng căng thẳng tại các thị trường tín dụng trên toàn cầu khiến các nước G7 buộc phải thừa nhận rằng nền kinh tế toàn cầu cần sự hỗ trợ của các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi. Các thị trường này hiện tạo ra cú huých quan trọng cho sức mạnh của nền kinh tế thế giới. Các bộ trưởng tài chính G-7 thừa nhận sức mạnh đang trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi xứng đáng được công nhận nhiều hơn nữa.

Viện Tài chính Quốc tế tại Washington (Mỹ) cho biết, trong năm nay, số vốn đổ vào các nền kinh tế thị trường đang nổi ở mức kỷ lục khoảng 620 tỷ USD so với 573 tỷ USD năm 2006. Cho đến nay, một số khu vực đã thoát khỏi sự tác động của các vấn đề tín dụng và hầu hết đều nằm trong các thị trường đang nổi lên.