Chiến lược "người khổng lồ nhỏ": Vũ khí bí mật của Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ
Trung Quốc tạo mọi điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất sắc, khuyến khích tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, phát triển lợi thế công nghệ độc đáo để thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp đổi mới…
Trung Quốc vừa công bố đã phát triển tổng cộng 14.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ nổi bật, mà theo cách gọi của Trung Quốc, đó là những “người khổng lồ nhỏ”. Đây là những doanh nghiệp SME sử dụng công nghệ đặc biệt và tiên tiến để tạo ra các sản phẩm độc đáo, góp phần vào sự đổi mới trong ngành sản xuất.
ĐỘNG LỰC CHO CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHIẾN LƯỢC HÀNG ĐẦU
Con số 14.600 công ty tư nhân nhỏ này được xem là động lực cho các ngành công nghiệp chiến lược hàng đầu. Tính đến năm 2022, Trung Quốc đã xác định được 8.997 doanh nghiệp thuộc nhóm “khổng lồ nhỏ” và đặt mục tiêu ươm tạo, thiết lập 10.000 doanh nghiệp này vào năm 2025, được vạch ra như một phần của kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cho giai đoạn 2021-2025. Đến nay, thực tế là Trung Quốc đã vượt mục tiêu năm 2025, nâng cao khả năng cạnh tranh công nghệ với Hoa Kỳ.
Trung Quốc đang tập trung vào chiến lược phát triển các SME, thúc đẩy các SME chất lượng cao ở nhiều giai đoạn phát triển trên toàn quốc. Cụm từ “người khổng lồ nhỏ” được dùng để chỉ nhóm doanh nghiệp SME xuất sắc của Trung Quốc. Những doanh nghiệp này hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực ngách và sở hữu công nghệ tiên tiến.
Gần 90% các doanh nghiệp này thuộc ngành sản xuất, tập trung vào các ngành công nghiệp chiến lược như mạch tích hợp, hàng không vũ trụ và năng lượng mới. Đáng chú ý, hơn 90% trong số này đóng vai trò là nhà cung cấp quan trọng cho các tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước, nhấn mạnh vai trò quan trọng trong việc củng cố nền tảng công nghiệp và chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp “người khổng lồ nhỏ” cũng đạt được những thành tựu ấn tượng về đổi mới. Cụ thể, các doanh nghiệp này đầu tư trung bình 7% doanh thu vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Mỗi doanh nghiệp sở hữu trung bình 22 bằng sáng chế được cấp phép, tăng trưởng 30% so với năm trước. Bên cạnh đó, họ đã xây dựng và sửa đổi hơn 50.000 tiêu chuẩn công nghiệp, phản ánh vai trò quan trọng trong việc định hình các tiêu chuẩn sản xuất hiện đại.
Trong các ngành công nghiệp tương lai như trí tuệ nhân tạo và kinh tế carbon thấp, gần 5.000 doanh nghiệp thuộc nhóm “người khổng lồ nhỏ” đang hoạt động và đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Theo báo cáo của Tập đoàn Hurun, năm nay có 146 doanh nghiệp SME từ nhóm này lọt vào Danh sách Kỳ lân Toàn cầu, chiếm 43% tổng số kỳ lân tại Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ tận dụng vai trò dẫn đầu của các doanh nghiệp 'khổng lồ nhỏ' để thúc đẩy sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp khác sử dụng các công nghệ đặc biệt và tinh vi để sản xuất ra các sản phẩm mới lạ và độc đáo”, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Jin Zhuanglong nhấn mạnh.
CHUYỂN ĐỔI SỐ TOÀN DIỆN CHO NHÓM DOANH NGHIỆP “NGƯỜI KHỔNG LỒ NHỎ”
Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các SME chất lượng cao. Từ nay đến năm 2027, chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số toàn diện cho nhóm doanh nghiệp “người khổng lồ nhỏ”. Các SME sẽ được khuyến khích tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, đồng thời tập trung phát triển các cụm doanh nghiệp với lợi thế công nghệ độc đáo để thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp đổi mới.
Tại địa phương, nhiều khu vực đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ SME. Ở Thượng Hải, số lượng SME công nghệ cao đã vượt 11.000, tăng gấp 10 lần trong vòng một thập kỷ. Thành phố thường xuyên tổ chức các sự kiện kết nối công nghiệp và đang áp dụng chính sách “không cần nộp đơn” từ năm tới, cho phép các doanh nghiệp tự động nhận được hỗ trợ mà không cần qua nhiều thủ tục hành chính.
Cụ thể, để khuyến khích các công ty phát triển, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hỗ trợ nộp đơn. Các hồ sơ, thủ tục bắt buộc phải có sẽ được tạo ra bởi các nền tảng dịch vụ chính phủ trực tuyến và gửi đến các doanh nghiệp đủ điều kiện. Doanh nghiệp có thể truy cập các dịch vụ có liên quan sau khi xác nhận mong muốn nộp đơn, không cần điền vào biểu mẫu, và nộp tài liệu hoặc chờ phê duyệt.
Tại tỉnh Quảng Đông, một sáng kiến đáng chú ý khác đang được triển khai nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho 800.000 SME bằng cách tận dụng mạng lưới hơn 40.000 doanh nghiệp công nghiệp lớn. Chương trình này không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu suất sản xuất mà còn hỗ trợ về an ninh và thiết kế thông qua các giải pháp công nghệ tùy chỉnh.
Với sự đầu tư mạnh mẽ từ cả chính phủ trung ương lẫn địa phương, các doanh nghiệp “người khổng lồ nhỏ” đang có điều kiện phát triển vượt bậc. Họ không chỉ góp phần định hình ngành công nghiệp của Trung Quốc mà còn đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế đất nước.
Zheng Hua, Phó giám đốc bộ phận Internet công nghiệp thuộc Sở Công nghiệp và Công nghệ thông tin tỉnh Quảng Đông, cho biết: "Bằng cách điều chỉnh các sản phẩm và giải pháp 'nhỏ, nhẹ, nhanh và chính xác' theo đặc điểm và nhu cầu của nhiều ngành công nghiệp khác nhau, chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số các quy trình chính như thiết kế, sản xuất và bảo mật".