Indonesia: Apple sẽ đầu tư 1 tỷ USD, nhằm dỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16
Chính phủ Indonesia cho biết Apple đã sẽ đầu tư 1 tỷ USD và hy vọng sẽ nhận được lá thư cam kết bằng văn bản từ công ty trong vòng một tuần...
Indonesia cho biết họ đã nhận được một đề nghị đầu tư trị giá 1 tỷ USD từ Apple. Đây là nỗ lực mới nhất của gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ nhằm dỡ bỏ lệnh cấm bán các thiết bị iPhone 16 tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
CON SỐ NÀY CHỈ LÀ "GIAI ĐOẠN ĐẦU TIÊN" CỦA KHOẢN CHI
Đáng chú ý, theo lời của Bộ trưởng Bộ Đầu tư Rosan Roeslani nói với các nhà lập pháp, chính phủ Indonesia và Apple đã thống nhất con số này chỉ là "giai đoạn đầu tiên" của khoản chi. Bộ trưởng Bộ Đầu tư Indonesia cho biết thêm rằng ông hy vọng sẽ nhận được một lá thư cam kết bằng văn bản từ công ty trong vòng một tuần.
"Chúng tôi muốn thấy sự công bằng", Roeslani nói. "Doanh nghiệp sẽ nhận được lợi ích ở Indonesia. Doanh nghiệp đầu tư ở Indonesia và tạo ra việc làm ở Indonesia".
Nếu được xác nhận, con số này sẽ tăng gấp mười lần so với đề nghị trước đó của Apple là 100 triệu USD. Giá thầu ban đầu của công ty thậm chí còn nhỏ hơn, chỉ có 10 triệu USD cho một nhà máy sản xuất phụ kiện và linh kiện tại thành phố Bandung, ngay bên ngoài thủ đô Jakarta.
Indonesia đã cấm bán các thiết bị iPhone 16 hàng đầu của Apple, với lý do công ty đã không tuân thủ các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa đối với điện thoại thông minh và máy tính bảng. Cụ thể, Indonesia yêu cầu những sản phẩm bán trong nước phải bao gồm ít nhất 40% linh kiện sản xuất tại địa phương, và họ cho biết Apple đã không tuân thủ quy định này. Hiện nay, Indonesia đang có kế hoạch tăng yêu cầu này, một lãnh đạo của chính phủ cho biết.
Apple có trụ sở tại Cupertino, California, đã cam kết vào năm 2023 sẽ đầu tư 1,7 nghìn tỷ rupiah (107 triệu USD) cho các học viện phát triển trên khắp Indonesia nhưng vẫn thiếu khoảng 10 triệu USD.
Bộ trưởng Roeslani đã tăng gấp đôi yêu cầu trước đó của chính phủ, cho rằng Apple nên cung cấp cho Indonesia một thỏa thuận “tốt hơn”.
Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita của Indonesia, người đã ủng hộ việc áp đặt lệnh cấm bán iPhone 16 trong nước, cho biết vào tháng trước rằng ưu tiên hàng đầu của ông là khiến Apple mở một nhà máy tại địa phương, tương tự như các nhà sản xuất điện thoại khác như Samsung Electronics Co. và Xiaomi Corp.
Nếu Apple sản xuất các thiết bị của mình tại địa phương, họ sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa đầu tư trên các lĩnh vực liên quan và tạo ra nhiều việc làm hơn, Bộ trưởng Đầu tư Roeslani cho biết. "Điều quan trọng nhất là chuỗi giá trị toàn cầu sẽ chuyển sang chúng tôi", ông nói.
INDONESIA NỔI TIẾNG THU HÚT ĐẦU TƯ BẰNG NHỮNG CHÍNH SÁCH CỨNG RẮN
Indonesia có thành tích lâu dài trong việc ra những chính sách cứng rắn với các công ty để tìm kiếm thêm khoản đầu tư và bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Chính phủ đã buộc TikTok của ByteDance Ltd. phải tách tính năng mua sắm khỏi nền tảng truyền thông xã hội của mình nhằm bảo vệ ngành bán lẻ khỏi hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất. Chính phủ cũng cấm xuất khẩu nguyên liệu thô như niken để thúc đẩy các công ty chế biến khoáng sản trên bờ và phát triển các nhà máy sản xuất pin tại địa phương.
Việc thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ diễn ra khi Tổng thống mới nhậm chức Prabowo Subianto đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế 8% trong nhiệm kỳ năm năm của mình. Tổng sản phẩm quốc nội chỉ tăng trưởng ở mức 4,95% trong quý trước, tốc độ chậm nhất trong một năm, trong bối cảnh hoạt động sản xuất và tiêu dùng suy yếu.
Indonesia là thị trường tăng trưởng tiềm năng cho Apple với dân số trẻ và ngày càng am hiểu công nghệ. Theo dữ liệu của chính phủ, nền kinh tế trị giá 1 nghìn tỷ USD này có hơn 350 triệu điện thoại di động đang hoạt động, vượt xa số dân 270 triệu người của quốc gia này.
Hiện nay, Apple không có cơ sở sản xuất nào tại Indonesia, nhưng đã thành lập các học viện phát triển ứng dụng từ năm 2018. Indonesia coi chiến lược đó là một nỗ lực nhằm đáp ứng yêu cầu về linh kiện địa phương để bán các mẫu iPhone cũ hơn.
Các công ty thường tăng thành phần địa phương thông qua quan hệ đối tác hoặc bằng cách tìm nguồn cung ứng linh kiện trong nước.