06:30 13/10/2020

"Thành tích đặc biệt" của 2020

Nhật Tân

2020 - một năm rất đặc biệt của cả thế giới đã đi qua hơn hai phần ba. Việt Nam cũng đã "nín thở" vượt qua hai đợt dịch Covid-19, trong nỗ lực không để nền kinh tế tụt dốc quá sâu

Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 13 (khóa XII). Ảnh: VGP
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 13 (khóa XII). Ảnh: VGP

Vừa qua, tại Hội nghị 13, Trung ương đã đặt lên bàn nghị sự các báo cáo kinh tế, xã hội, ngân sách, đầu tư công của cả năm nay, năm sau và giai đoạn 5 năm tới.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, 2020 cũng là năm thành công đối với Việt Nam với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước .

Những kết quả nổi bật được vị lãnh đạo cao nhất của Đảng nhắc đến là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đạt trên 2% trong 9 tháng đầu năm, dự kiến từ 2 đến 3% trong năm 2020 (được đánh giá là một trong số 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch, kinh tế thế giới và nhiều nước lớn dự kiến tăng trưởng âm).

Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; cán cân thương mại có thặng dư cao, xuất siêu 17 tỉ USD, dự trữ ngoại hối tăng cao (khoảng 93 tỉ USD...

Thành tích đặc biệt của 2020 cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính thừa nhận ở nhiều diễn đàn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới lâm vào khủng hoảng. 

Trong nước, là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam cũng đã trải qua 2 đợt dịch ở một số địa phương (tháng 3-4 và tháng 7-8/2020) với những tác động mạnh đến tình hình kinh tế, xã hội đất nước.

"Nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng; sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhất là trong một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, vận tải, du lịch…; hàng triệu lao động mất việc làm, thiếu việc làm, thu nhập giảm sâu. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, lũ lụt, sạt lở, giông lốc các tỉnh miền núi phía Bắc; nắng nóng, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại khá lớn; dịch tả lợn châu Phi mặc dù đã được khống chế nhưng vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống", Chính phủ nhận định. 

Trong tình hình rất khó khăn ấy, theo đánh giá của Chính phủ, kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục phát triển ổn định, đạt những kết quả tích cực và có nhiều điểm sáng.

Điểm sáng đầu tiên là kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Theo đánh giá của WHO, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. 

Việt Nam cũng đã kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, đến hết tháng 8/2020, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi với tổng số dư nợ vay trên 3 triệu tỷ đồng; giảm giá tiền điện 9,2 nghìn tỷ đồng; gia hạn nộp trên 66 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ 12,4 nghìn tỷ đồng cho gần 12,5 triệu người dân và 23 nghìn hộ kinh doanh; đồng thời cho phép tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn. Đời sống người dân, nhất là ở nông thôn, miền núi cơ bản ổn định tốt.

Vẫn theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng.

Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,5-3,9% (mục tiêu là dưới 4%). Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,6% GDP (mục tiêu là 33-34% GDP).

Kết quả rất đáng ghi nhận, song Trung ương cũng nhìn nhận, kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đó là kinh tế tăng trưởng chậm lại, ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất kinh doanh bị suy giảm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.

Việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng lớn. Việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Hệ thống tài chính - ngân hàng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội đứng trước nhiều rủi ro, thách thức. Việc triển khai thực hiện một số chính sách, biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. 

Vì vậy, lưu ý từ Trung ương là cần phải rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện và có phương án điều chỉnh phù hợp để bảo đảm các cân đối lớn, nhất là cân đối về ngân sách của năm 2020 sao cho khả thi, sát hợp nhất với thực tế tình hình từ đầu năm đến nay và dự báo 3 tháng cuối năm còn lại.

Sau hội nghị Trung ương 13, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 2020, kế hoạch 2021 và 5 năm cũng sẽ được đặt lên bàn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 tới.