20:43 29/11/2020

Thanh toán bằng nhận diện gương mặt sắp được triển khai tại Việt Nam

Tú Uyên

Thay vì dùng tiền mặt, cà thẻ, quét QR code..., khuôn mặt cũng sẽ trở thành phương tiện thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi vào đầu năm 2021

Khách hàng đang thử nghiệm thanh toán bằng nhận diện gương mặt tại cửa hàng tiện lợi GS25
Khách hàng đang thử nghiệm thanh toán bằng nhận diện gương mặt tại cửa hàng tiện lợi GS25

Một ứng dụng có tên facepay vừa được Công ty Wee Digital phát triển. 

Theo đó người dùng chỉ cần tải ứng dụng này trên điện thoại di động, đăng ký thông tin cá nhân, quét khuôn mặt và liên kết với thẻ ngân hàng là có thể dùng chính gương mặt để thanh toán mà không cần cà thẻ, quét QR, ví điện tử hay tiền mặt.

Gương mặt chính là "mật khẩu" để thanh toán tại các cửa hàng đối tác mà Wee Digital hợp tác mà không cần mang theo bất kỳ thứ gì. Việc mua hàng trở nên gọn nhẹ khi khách hàng chỉ lựa chọn hàng hóa, "cười" trước màn hình đặt tại cửa hàng là hoàn tất thanh toán.

Theo Wee Digital, sẽ có 3 hình thức thanh toán bằng nhận dạng khuôn mặt. Với khách hàng mua hàng online qua các trang thương mại điện tử lớn, tới đây có thể thanh toán qua chính máy tính của mình bằng nhận dạng khuôn mặt. Với các nhà bán lẻ lớn như các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cà phê thì sẽ trang bị các màn hình cho phép nhận dạng khuôn mặt khi thanh toán.  Còn với các chủ shop thời trang nhỏ, bán hàng online, quán ăn, cà phê cóc..., sẽ dùng điện thoại cá nhân để nhận thanh toán.

Khác với các ứng dụng ví điện tử, facepay chỉ đóng vai trò xử lý công nghệ, việc hoàn tất giao dịch sẽ do công ty thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) thực hiện. Và trước mắt, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 sẽ là hệ thống bán lẻ đầu tiên chấp nhận thanh toán bằng nhận diện gương mặt tại Việt Nam vào đầu năm 2021, sau đó triển khai tại một số chuỗi cửa hàng tiện lợi và nhà hàng, cà phê khác trên cả nước.

Thực tế, công nghệ nhận diện gương mặt đã được bắt đầu ứng dụng trong ngành tài chính từ khoảng một năm trở lại đây, nhưng tập trung ở khâu nhận diện khách hàng hay giao dịch tự động.

Chẳng hạn, TPBank là ngân hàng đầu tiên cho phép rút tiền bằng nhận diện gương mặt tại hệ thống LiveBank. ABBank có công nghệ Wee@ABBank dùng để nhận diện khách hàng tại phòng giao dịch; hay Vietinbank vừa thí điểm triển khai thành công Hệ thống sinh trắc học để nhận diện khuôn mặt… Tuy nhiên, hiện chưa có hệ thống bán lẻ nào chấp nhận thanh toán bằng nhận diện gương mặt.

Wee Digital là doanh nghiệp fintech nội địa và không phải gương mặt xa lạ trong giới khởi nghiệp. Công ty này là quán quân trong cuộc thi Fintech Challenge Vietnam do Ngân hàng nhà nước Việt Nam tổ chức lần đầu tiên và hai lần nhận đầu tư từ VinaCapital Ventures và InterVest (Hàn Quốc).

Công nghệ nhận diện khuôn mặt tuy còn mới tại Việt Nam nhưng Wee Digital không phải là đơn vị duy nhất. Những doanh nghiệp tên tuổi như VNPT với VNPT eKYC, VNG với giải pháp TrueID, hay FPT với FPT.AI eKYC... đều đang hướng tới chinh phục thị trường nhận diện gương mặt tại Việt Nam và hướng tới là toàn cầu.

Theo ông Christian Nguyễn, Nhà sáng lập kiêm CEO Wee Digital, thanh toán bằng sinh trắc học sẽ thịnh hành trong 5-10 năm tới. Giá trị giao dịch qua QR hiện vẫn còn rất nhỏ so với tổng giao dịch, nên thị trường còn rất nhiều cơ hội cho các giải pháp thanh toán không tiền mặt khác.

Theo thống kê, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 98% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. 

Do vậy việc phát triển các phương thức thanh toán mới, sử dụng ứng dụng sinh trắc học để tạo sự thuận tiện và tăng trải nghiệm người dùng được xem là biện pháp khuyến khích người dân sử dụng thanh toán không tiền mặt.