09:46 19/08/2019

Thắt chặt liên kết vùng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế miền Trung

Nhóm phóng viên

Xin giới thiệu ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành và địa phương trong cả nước để đưa miền Trung trở thành một vùng động lực

Vùng miền Trung là mặt tiền biển của Việt Nam, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước với chiều dài đường bờ biển 1.900 km
Vùng miền Trung là mặt tiền biển của Việt Nam, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước với chiều dài đường bờ biển 1.900 km

Vùng miền Trung là mặt tiền biển của Việt Nam, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành phố) với chiều dài đường bờ biển 1.900 km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước, là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Các lĩnh vực, ngành kinh tế biển và ven biển của vùng miền Trung đang tập trung phát triển là: du lịch và dịch vụ biển; phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp; khai thác, chế biến dầu khí; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo. 

Với tiềm năng và lợi thế này, các tỉnh, thành phố trong Vùng đều nhận thức ý nghĩa việc liên kết phát triển vùng là tất yếu, nhằm khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương và mục tiêu cuối cùng là chia sẻ lợi ích lâu dài, chia sẻ hạ tầng chung, nâng cao vị thế vùng. 

Tuy nhiên, để các chủ trương, chính sách liên kết vùng đi vào thực tiễn, cần phải có sự thống nhất, đồng thuận trong mối liên kết giữa các địa phương cùng hướng đến mục tiêu cải cách hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp...

Thời báo Kinh tế Việt Nam xin giới thiệu ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành và địa phương trong cả nước để đưa miền Trung trở thành một vùng động lực.

Phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, linh hoạt

(Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường)

Thắt chặt liên kết vùng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế miền Trung - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Vùng miền Trung có tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hoá mạnh. Phát triển các khu công nghiệp, làng nghề, khu kinh tế ven biển, diện tích canh tác biến động, chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất, vùng trồng cây chuyên canh, nuôi trồng thủy sản... tạo sức ép lớn cho các công trình thủy lợi. Mâu thuẫn quyền lợi liên quan đến nguồn nước giữa các ngành, các địa phương ngày càng sâu sắc, nguồn nước suy thoái, gia tăng xả thải chất ô nhiễm vào nguồn nước.

Do đó, cần giải pháp phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cấp nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần phục vụ phát triển kinh tế -xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, quốc phòng, an ninh; chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất.

Cụ thể cần nâng cao nhận thức của xã hội về hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước; tăng cường thực thi pháp luật, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch. Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi qua triển khai đồng bộ pháp luật quy hoạch, thủy lợi, tài nguyên nước; chú trọng xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển trên cơ sở xem xét tác động từ biến đổi khí hậu, tác động từ hoạt động phát triển, giải quyết các tác động cực đoan như hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước. 

Quy hoạch thủy lợi bám sát yêu cầu chuyển đổi của tái cấu trúc nền kinh tế; giải pháp quy hoạch thủy lợi gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, kết nối nguồn nước bằng đường ống, đưa nước ra vùng ven biển; nghiên cứu giải pháp thủy lợi cấp nước cho vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi có trọng tâm, trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới. Trong đó tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công trình gắn với tái cơ cấu kinh tế, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư, xây dựng nông thôn mới. 

Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi cấp nước tưới và phục vụ sinh hoạt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; xây dựng hệ thống cấp nước cho vùng đất cát ven biển, vùng ven đường Hồ Chí Minh...

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khai thác công trình thủy lợi, tổ chức thủy lợi cơ sở; phát huy nội lực và vai trò chủ thể của người dân trong công tác thủy lợi; nâng cao chất lượng dịch vụ thủy lợi, mức bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng.

5 đề xuất thực thi chính sách liên kết vùng

(Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường)

Thắt chặt liên kết vùng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế miền Trung - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường.

Với tiềm năng và lợi thế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung rất lớn, các tỉnh, thành phố trong Vùng đều nhận thức ý nghĩa việc liên kết phát triển vùng là tất yếu, nhằm khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương và mục tiêu cuối cùng là chia sẻ lợi ích lâu dài, chia sẻ hạ tầng chung, nâng cao vị thế vùng. 

Để các chủ trương, chính sách liên kết vùng đi vào thực tiễn, thứ nhất, hoàn thiện thể chế và tăng cường thực hiện thể chế, trước mắt cho thí điểm tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hướng tới việc đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội đảm bảo nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. 

Cụ thể, cần ưu tiên đầu tư để hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc, khuyến khích các tỉnh, thành phố trong vùng thông qua cơ chế tự huy động nguồn vốn từ quỹ đất đô thị hóa để xây dựng và nâng cấp tuyến đường bộ ven biển; xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; nâng cấp mở rộng các quốc lộ; nâng cấp các đường nối Quốc lộ 1A với Tây Nguyên và tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2, mở rộng cửa khẩu Đắc-tà-óc thành cửa khẩu quốc tế, khơi thông sông Cổ Cò; cải tạo nâng cấp các cảng biển và các sân bay trong vùng; xây dựng trung tâm Logistics - Hậu cần biển cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...

Thứ ba, đề nghị Chính phủ ban hành các cơ chế và chính sách và các giải pháp mang tính đột phá, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực mà vùng miền Trung có tiềm năng, lợi thế lớn như: du lịch và dịch vụ biển; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; cảng biển gắn với logistics; ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao...

Thứ tư, sớm triển khai xây dựng quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo Luật Quy hoạch, trong thời gian chưa thực hiện được quy hoạch Vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Hội đồng Vùng xây dựng các chương trình, kế hoạch tập trung vào các nội dung như: quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực và địa bàn phát triển; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp kết cấu hạ tầng của vùng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung và ứng phó với biển đổi khí hậu...

Thứ năm, xem xét điều chỉnh mục tiêu, quy mô của các khu kinh tế, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong quá trình lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Đồng thời nghiên cứu mô hình quản lý các khu kinh tế, mở rộng phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho các Ban quản lý khu kinh tế, bảo đảm cơ chế hành chính "một cửa. 

Ngoài ra, với vai trò Chủ tịch Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2019-2020, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phối hợp với các địa phương trong vùng để triển khai thực hiện những nội dung nhiệm kỳ trước đang thực hiện dở dang, lựa chọn và đề xuất một số nội dung liên kết gắn với tiềm năng chung của các địa phương trong vùng để thực hiện...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng hành cùng các tỉnh Miền Trung

(Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện)

Thắt chặt liên kết vùng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế miền Trung - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện

Miền Trung đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển du lịch của cả nước, đóng góp những sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh quốc tế, cũng như trong gắn kết, thúc đẩy du lịch khu vực.

Để Miền Trung thực sự phát huy được hiệu quả, phát triển thành vùng động lực của du lịch Việt Nam, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục thực hiện các chính sách đã mang đến hiệu quả trong thời gian qua, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch ở khu vực; 

Tiếp tục công tác nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp và cộng đồng trong việc đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, ngăn chặn tình trạng chặt chém khách du lịch; đẩy mạnh hợp tác công - tư để phát triển du lịch, phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, cũng như trong công tác quản lý điểm đến du lịch. Có chính sách hiệu quả hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, đẩy mạnh kinh tế tư nhân.

Đồng thời cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu, chất lượng, giá trị trải nghiệm cao. 

Khai thác các giá trị tài nguyên có lợi thế cạnh tranh cao là du lịch biển cũng như các giá trị tài nguyên đặc thù như du lịch di sản, du lịch sinh thái hang động, du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc để hình thành sản phẩm du lịch có thương hiệu, tạo sự cân đối trong phát triển sản phẩm du lịch; Chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động, nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo, thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực.

Miền Trung là khu vực đã và sẽ chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu trong khi du lịch biển là ưu thế của khu vực, do vậy, cần nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động du lịch. 

Đặc biệt, cần đề cao tính liên kết trong phát triển du lịch nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề sử dụng tài nguyên, nguồn lực nhằm phát huy lợi thế tổng thể của các địa phương trong vùng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đồng hành cùng các tỉnh Miền Trung, phối hợp với các bộ, ngành trong việc tháo gỡ các chính sách để tạo thuận lợi cho du lịch Miền Trung phát triển. Song rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư để dẫn dắt và tạo sự bứt phá. 

Chính quyền địa phương cần tập trung cải thiện môi trường du lịch, đảm bảo xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện. Cộng đồng địa phương ở từng nơi phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm và nét đẹp của dân tộc trong ứng xử văn minh du lịch, trong giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo với du khách, bạn bè quốc tế.

Phát triển kết cầu hạ tầng giao thông tạo động lực lan tỏa

(Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể)

Thắt chặt liên kết vùng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế miền Trung - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể

Vùng kinh tế miền Trung là trung tâm về chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ của cả nước, là hạt nhân, động lực thúc đẩy sự phát triển vùng duyên hải miền Trung, là cửa ngõ phía biển Đông với thế giới, kết nối trực tiếp với hai khu vực phát triển năng động là Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã xác định quan điểm, cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng đảm bảo đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng cũng như tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy các vùng lân cận phát triển.

Qua đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đã từng bước được nâng cấp. Việc nâng cấp các quốc lộ đã tạo kết nối tốt hơn cho vùng và cả nước góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa hình thành toàn tuyến cao tốc trong vùng, cùng với đó các tuyến liên kết ngang chưa được đầu tư đồng bộ, liên thông; sự phối hợp giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường không) chưa hợp lý, tính kết nối không cao.

Vì thế, thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp: đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào những công trình có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế xã hội. Ưu tiên tập trung giải quyết dứt điểm một số điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế; đầu tư hoàn thành các công trình có sức lan tỏa nhằm mang lại hiệu quả đầu tư cho toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; các công trình giải quyết nhu cầu thiết yếu cho nền kinh tế; rà soát, sửa đổi. 

Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và kinh doanh dịch vụ vận tải. 

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) nhằm tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn trên cơ sở nghiên cứu lựa chọn mô hình, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hình thức đầu tư PPP. Có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đối với những dự án đặc biệt quan trọng, dự án đặc thù.

Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong đầu tư phát triển, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông góp phần nâng cao chất lượng công trình, hạ giá thành sản phẩm; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; khuyến khích áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới; 

Tếp tục tổ chức khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển hiện có, phân bổ nguồn lực hợp lý đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư các bến cảng biển. Xây dựng kế hoạch phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, từng bước trẻ hoá đội tàu biển Việt Nam; đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics.

Cần có các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy liên kết vùng

(Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến)

Thắt chặt liên kết vùng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế miền Trung - Ảnh 5.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến

Bờ biển dọc các tỉnh miền Trung có lợi thế lớn để phát triển kinh tế, du lịch, vận tải và đảm bảo quốc phòng - an ninh; có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư, mua vốn góp các dự án có sử dụng đất ven biển. 

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên biển và đảm bảo an ninh - quốc phòng, đề nghị các tỉnh ven biển miền Trung cần có quy chế tăng cường trao đổi thông tin về hoạt động đầu tư các dự án ven biển.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy liên kết vùng; giải quyết các vấn đề chung của vùng, như: đầu tư, thương mại, du lịch, môi trường, phát triển đô thị... 

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu xây dựng chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, xác định và tiếp cận cho từng lĩnh vực như: vận tải biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi,...

Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Miền Trung với 100% các địa phương đều có biển, do đó, cần phải coi vùng này là địa bàn trọng điểm để thực hiện chiến lược kinh tế biển. Trong đó tập trung vào 3 nhóm ngành kinh tế chính: ngư nghiệp (đánh bắt và chế biến hải sản); du lịch biển đảo (gắn với du lịch văn hoá, lịch sử) và khu kinh tế ven biển (gắn với ưu thế về cảng biển).

Đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn lực nhằm tăng cường đầu tư xây dựng mới và củng cố hệ thống đê biển vững chắc, kiện toàn hệ thống thông tin truyền thông, hệ thống cảnh báo sớm sóng thần và dự báo thời tiết, phát triển hệ thống rừng và rừng ngập mặn, trước mắt triển khai sớm hệ thống đê biển ở vùng thấp và vùng ngập nước. 

Đồng thời, tăng cường lực lượng, phương tiện cho lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng và cảnh sát biển nhằm bảo đảm quốc phòng - an ninh để ngư dân yên tâm, vượt sóng ra khơi đánh bắt hải sản, góp phần canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nằm ở vị trí chiến lược, Thanh Hóa là cầu nối giữa Bắc Trung Bộ với vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vùng Tây Bắc và các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Lào như: Viêng Chăn, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, với hệ thống giao thông huyết mạch của quốc gia, quốc tế đi qua; Có Cảng hàng không Thọ Xuân, cửa khẩu quốc tế Na Mèo, cửa khẩu quốc gia Tén Tằn, đặc biệt là có cảng nước sâu Nghi Sơn... là những lợi thế lớn của tỉnh Thanh Hóa trong liên kết vùng miền Trung.

Đề nghị Chính phủ sớm bố trí vốn và phê duyệt chủ trương đầu tư các đoạn thuộc tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa để kết nối sang Nghệ An và các tỉnh thuộc khu vực miền Trung, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế biển phát triển.

Hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững kinh tế biển

(Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng)

Thắt chặt liên kết vùng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế miền Trung - Ảnh 6.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung trong thời gian tới, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của khu vực, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo triển khai lập quy hoạch Vùng theo Luật Quy hoạch.

Trong đó làm rõ định hướng, phương án phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng duyên hải miền Trung gắn với Tây Nguyên, hành lang kinh tế Đông - Tây, phù hợp với các quy hoạch quốc gia.

Hiện các tỉnh miền Trung sở hữu tài nguyên biển vô cùng phong phú cùng với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản thiên nhiên đa dạng nhất cả nước...

Đề nghị Chính phủ có chỉ đạo hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững kinh tế biển; có cơ chế, chính sách đột phá, nhất là phân cấp cho các địa phương trong thu hút đầu tư, trong triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt để các địa phương ven biển chủ động tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, cơ hội của các địa phương trong vùng trong mối quan hệ hài hòa về lợi ích, trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng trong khai thác các cơ hội, lợi thế so sánh của vùng;

Xác định rõ cơ chế điều phối vùng để phát huy vai trò của Hội đồng vùng; định hướng thứ tự ưu tiên cho từng địa phương trong đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các ngành kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng...

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cả về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội đối với cả nước, vùng hiện có 4 khu kinh tế ven biển, 4 cảng nước sâu, 4 sân bay, rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp, logistics gắn với cảng biển và du lịch. Tuy nhiên, so với các Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang là "vùng trũng".

Giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng chỉ đạt 6,8%, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước. GRDP bình quân đầu người chỉ bằng 50% Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và bằng 70% Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Nguyên nhân chính là do đây là vùng chịu sự khắc nghiệt của thiên tai, lũ lụt, hạn hán; địa hình hẹp, trải dài, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đi lại còn khó khăn, nên việc liên kết phát triển rất hạn chế. Các dự án trọng điểm về giao thông liên tỉnh, liên vùng như đường cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, các tuyến Quốc lộ kết nối với Tây Nguyên, phát triển các sân bay quốc tế còn chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng.

Do đó, đề nghị Trung ương chỉ đạo sớm đầu tư hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam, có đoạn Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên và tuyến đường ven biển nối các tỉnh miền Trung, để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, kết nối các điểm du lịch giữa các tỉnh duyên hải miền Trung. Đồng thời, đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, cũng như phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng biển của các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS)...